Dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam thông qua nhiều kênh cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế.
LTS: Thế giới sắp khép lại năm 2022 đầy biến động, thách thức và khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn nổi lên là một điểm sáng đáng chú ý. Đó là dòng vốn ngoại vẫn rót vào mạnh mẽ; nỗ lực của những “ông lớn” cả quốc doanh lẫn dân doanh; sự phục hồi của nhiều ngành từ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo…
Loạt bài của VietNamNet điểm lại một số dấu ấn, đã góp phần làm nên bức tranh kinh tế với nhiều gam màu sáng năm qua.
Con số kỷ lục
Cuối tháng 11 vừa qua, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) hoàn tất nhận giải ngân gói tín dụng 600 triệu USD, lãi suất 6,5%/năm. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Trước đó, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) nhận giải ngân khoản vay 150 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Vingroup, VPBank, Đất Xanh hút hàng trăm triệu USD từ trái phiếu quốc tế. Trong khi HDBank có kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế và xin ý kiến cổ đông điều chỉnh room ngoại từ 18% lên 20%.
Không chỉ qua phát hành trái phiếu, dòng vốn ngoại vẫn dồn dập đổ vào Việt Nam qua nhiều kênh.
Trên thị trường chứng khoán, trong tháng 11/2022, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu Việt ở mức kỷ lục chưa từng có trong 22 năm qua, đạt hơn 16.900 tỷ đồng. Từ ngày 1-9/12, khối ngoại tiếp tục mua ròng 7.652 tỷ đồng, với vốn đến từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc…
Theo quỹ Fubon ETF, đây là thời điểm vô cùng tốt để đầu tư vào chứng khoán Việt Nam. Fubon vừa được chấp thuận huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn khoảng 4.000 tỷ đồng đổ vào Việt Nam, dự kiến giải ngân từ tháng 12. Dragon Capital gia tăng sở hữu cổ phiếu Vĩnh Hoàn (VHC), Hà Đô (HDG), Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT).
Số liệu dòng vốn đổ vào Việt Nam.
Trong khi đó, các nhà đầu tư thị trường bất động sản công nghiệp vẫn lạc quan vào thị trường Việt Nam. Đầu năm 2022, GLP thành lập GLP Vietnam Development Partners I với tổng giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD vào 6 dự án trung tâm logistics có tổng diện tích lên đến 900,000 m2. Mapletree Investments chuyển nhượng 3 dự án logistics cho Mapletree Logistics Trust với tổng giá trị giao dịch là 95,9 triệu USD.
Logos Property Services bắt tay với Manulife Financial đầu tư hơn 80 triệu USD vào một dự án logistics mới có diện tích 116,000 m2 được xây dựng tại Đồng Nai. CapitaLand Development ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang phát triển dự án khu đô thị – công nghiệp – logistics có tổng diện tích hơn 400 ha trên toàn tỉnh với giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD.
Nguồn vốn đầu tư FDI
Theo thống kê, trong 11 tháng 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25,1 tỷ USD. Giải ngân đạt gần 19,7 tỷ USD. Tại miền Bắc, một số thương vụ lớn là Trinar Solar (275 triệu USD), Autel Robotics (90 triệu USD) và Thép Việt Ý (80 triệu USD).
Ở phía Nam, không thể không kể đến dự án đầu tư của LEGO (1,3 tỷ USD) tại VSIP III Bình Dương. Hai dự án lớn tiếp theo là nhà máy của Libra International Investment Pte (210 triệu USD tại Tây Ninh) và Coca Cola (135 triệu USD tại Long An).
Việt Nam nằm trong Top điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất trong Bảng Xếp Hạng 2022 của Cushman Wakefield.
Niềm tin mạnh mẽ
Bà Phùng Thị Thanh Loan, Quản lý cấp cao, Bộ phận BĐS Công nghiệp, CBRE Việt Nam, cho biết, ổn định chính trị và kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt quyết định mức độ hấp dẫn của Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của ngân hàng HSBC, dòng vốn ngoại đổ vào doanh nghiệp Việt cho thấy niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nó còn là kết quả của sự phục hồi kiên cường của Việt Nam thời hậu Covid.
Ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á, nhận xét, lợi thế lớn của Việt Nam là năng lực sản xuất nhóm ngành công nghệ cao. Lực lượng lao động có trình độ cao. Chi phí sản xuất và logistic phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa ở mức hấp dẫn.
“Khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực, chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp. Chi phí tại các thị trường như Singapore, Trung Quốc tăng cao. Do đó, chi phí cho hoạt động kinh doanh cũng tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu trở nên khó khăn hơn. Các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế. Việt Nam đang làm rất tốt trong việc đón đầu các xu hướng đó, sau đại dịch”, ông nói.
Ông John Cambpell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam, đánh giá, các ưu đãi thuế của Chính phủ dành cho các công ty công nghệ cao là động lực thúc đẩy các công ty như Intel và Jabu gia nhập thị trường Việt Nam.
Theo chứng khoán SSI, dòng tiền đổ mạnh vào cổ phiếu các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. USD giảm mạnh, nguy cơ suy thoái ở các quốc gia phát triển rõ nét hơn. Trung Quốc nới lỏng biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.
Chứng khoán Maybank cho rằng, VND khá tích cực so với đồng tiền nhiều nước. Áp lực tỷ giá hạ nhiệt khi giải ngân FDI cao và du khách quốc tế tăng trở lại.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Nhà sáng lập CTCP FIDT, dòng vốn ngoại tiếp tục vào thị trường. Vốn từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc liên tục đổ vào và là một nguồn vốn ngoại quan trọng hỗ trợ thị trường.
Nhận định của chuyên gia WB.
Nguồn: vietnamnet