Mấy năm gần đây, tục đụng lợn ngày Tết có xu hướng quay trở lại.
Mấy hôm rồi, anh bạn đi làm ăn xa tận trong Nam gọi điện về bảo tôi: “Hai năm dịch Covid-19 hoành hành, mình không ra Bắc ăn Tết được. Tết này nhất định mình sẽ lại ra ăn Tết ở quê. Bạn xem tập hợp mấy anh em chăn trâu cắt cỏ chung nhau mổ con lợn cho xôm tụ nhé!”.
Ảnh
Thế là, sau cuộc điện ấy, trên nhóm kín Zalo, mấy đứa bạn thời sún răng chân đất, nước mũi thò lò, giờ đã ở tuổi ngoại tứ tuần, cứ chát chít suốt ngày bàn bạc việc đụng lợn Tết. Háo hức ghê. Đứa đi xa thì mong ngóng ngày trở về. Người ở quê chộn rộn nghĩ về cái Tết đoàn viên đang đến gần.
Còn nhớ, ngày xưa ở quê, cứ mỗi độ Tết đến là mấy gia đình trong làng chung nhau mổ một con lợn, rồi chia phần, dân gian gọi là đụng lợn. Một tập tục rất thú vị, một nét đẹp trong văn hóa đón Tết vui xuân của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa, nhất là thời kỳ bao cấp.
Nếu có gì đó đọng lại lâu nhất, sâu nhất trong ký ức của những đứa trẻ quê lam lũ khi xưa, ngoài pháo nổ, bánh chưng, chắc chắn đó là đụng lợn.
“No dồn đói góp”, nhà giàu hay nghèo, khó khăn hay khá giả thì vẫn có lợn đụng để ăn ba ngày Tết. Thế mới có câu ca dao phê phán ông thầy “bói mà chẳng bói”, khẳng định chắc nịch rằng: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”.
Cứ độ qua trung tuần tháng Chạp, là khắp làng trên xóm dưới rôm rả bàn nhau chuyện đụng lợn Tết. Tùy lợn to hay lợn nhỏ mà dăm bảy nhà giao kèo chung nhau một con. Nhà nào đụng đến mười ký lợn hơi đã là ăn Tết to lắm rồi. Con trẻ ngày đó chỉ chăm chăm hỏi bố mẹ xem nhà mình năm nay đụng bao nhiêu ký lợn, gói bao nhiêu cái bánh chưng.
Gia đình nào có lợn đã được “chấm” đụng Tết thì yên tâm không phải gọi lái lợn vào bán nữa. Chú lợn đó sẽ được chủ nhà vỗ béo cho tới ngày mổ. Mà nói là vỗ béo nhưng cũng chỉ có cám gạo nấu với bèo tây hoặc cây chuối thái nhỏ, chứ không có cám tăng trọng, tạo nạc như bây giờ. Thế nên thịt lợn sạch đúng nghĩa, rất thơm, săn chắc và ngọt, kể cả mỡ lợn, rán lên cũng thơm đến nhức mũi.
Độ 28, 29 Tết, khi những thửa ruộng cuối cùng đã xuống lúa xong, người dân trong làng bắt đầu mổ lợn. Sáng sớm làng trên xóm dưới đã nghe tiếng lợn kêu eng éc. Các bà các chị thì nhóm củi đun nước làm lông. Còn cánh đàn ông khỏe mạnh, tháo vát thì trói lợn, mài dao, pha thịt. Mấy đứa trẻ con chúng tôi chầu chực chỉ để xin cái đuôi lợn luộc chấm muối trắng và cái bong bóng lợn thổi căng phồng lên lên làm bóng đá.
Ngày làng mổ lợn, tiếng nói, tiếng cười râm ran khắp sân, không khí đúng là “vui như đụng lợn Tết”. Thịt nạc thì giã giò lụa. Mà giã bằng chày gỗ và cối đá, rất công phu. Thịt sỏ thì gói giò xào. Còn lại là thịt bụng, thịt ba chỉ, chân giò, tất cả chia đều cho các nhà.
Bữa trưa hôm mổ lợn, các gia đình đều có chung một món là lòng lợn, tiết canh.
Không có tủ lạnh cấp đông như bây giờ nên số thịt còn lại được các gia đình luộc chín, rồi để vào chiếc sàng gạo có quang treo mắc lên góc nhà, tránh chó mèo ăn vụng và để dùng dần cho mấy ngày Tết. Mỡ lá, mỡ khổ không luộc được thì rán lên, đựng vào cái âu, dùng để xào nấu cả mấy tháng.
Cả năm mới có một lần mổ lợn. Cả tháng mới có miếng thịt để ăn. Thế nên cái cảm giác ngày Tết nó sung sướng, nó háo hức ghê lắm. Sau này, khi đất nước mở cửa, kinh tế thị trường phát triển, người dân dễ dàng mua thịt lợn ngoài chợ, cộng với điều kiện khấm khá hơn, quan niệm “ăn Tết” chuyển thành “chơi Tết”, cho nên tục đụng lợn mai một dần.
Tuy nhiên, độ mấy năm gần đây, tục đụng lợn ngày Tết có xu hướng quay trở lại. Có nhiều nguyên nhân, nhưng lẽ thường thì khi đánh mất một thứ gì đó, sau độ lùi về thời gian, người ta mới có điều kiện chiêm nghiệm lại, thấy tiếc và trân quý nó, muốn tìm lại cái đã mất, nhất là ở giá trị tinh thần hơn là vật chất.
Hòa trong xu hướng đó, Tết năm nay, mấy anh em bạn bè của tôi lại hẹn nhau ngày 29 âm lịch, được nghỉ làm, vợ chồng con cái sẽ kéo nhau về quê mổ lợn và gói bánh chưng chung. Mọi người đã ngắm được một con lợn sạch trong xóm. Thực đơn món ăn cũng đã lên đầy đủ, cũng giò lụa, giò xào, lòng lợn như Tết xưa, chỉ có món tiết canh là không làm vì phải bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh bạn tôi bảo: “Thời buổi vật chất đủ đầy, con trẻ bây giờ chả thiếu thứ gì, không còn cái cảm giác thèm thuồng, háo hức như chúng mình ngày xưa. Ăn uống thì cũng chẳng đáng là bao. Thế nhưng, có mổ lợn gói bánh mới có không khí Tết truyền thống. Sau một năm với bộn bề vất vả lo toan, người lớn có dịp “ôn cố tri tân”, còn con trẻ thì hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa đón Tết cổ truyền của dân tộc”.
Ngày xuân đang đến thật gần. Mong quá cái không khí Tết đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, bè bạn. Để Tết nay đụng lợn nhớ Tết xưa. Để “chiếc vé” trở về tuổi thơ là có thật trong tâm hồn mỗi người!
Nguồn: vietnamnet