Cuộc thảo luận đã diễn ra tháng 11 vừa qua, nhằm tìm những phương án đương đầu với tình huống đại dịch toàn cầu như COVID-19. Mục tiêu tới tháng 5-2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có một thỏa thuận pháp lý để 194 quốc gia thành viên áp dụng.
Thỏa thuận mới này là mối ưu tiên chính của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của mình. Nó nhằm tạo một hàng rào phòng thủ chống lại những tác nhân gây bệnh mới, sau đợt đại dịch COVID-19 này. Theo thống kê của WHO, COVID-19 đã giết chết hơn 6,5 triệu người trên toàn thế giới.
Tổ chức này đã nhận được nhiều cuộc gọi yêu cầu cải cách, sau khi đã có những thông tin xôn xao miêu tả WHO là “thiếu năng lực” khi COVID-19 giáng xuống. Cụ thể là khả năng điều tra về sự bùng nổ dịch cũng như việc phối hợp biện pháp ngăn chặn thích đáng.
Hiệp ước về đại dịch (pandemic treaty) là gì?
WHO vốn đã có những luật lệ, được biết tới dưới dạng Quy định về sức khỏe quốc tế 2005 (Internattional Health Regulations).
Quy định là những ràng buộc với các nước thành viên khi một sự kiện y tế công cộng có khả năng lây lan xuyên biên giới, bao gồm việc báo cáo cho WHO ngay lập tức về sự kiện sức khỏe này cũng như những biện pháp đặt ra cho thương mại và vận chuyển.
Sau đợt bùng nổ dịch SARS 2002-2003, những quy định trên vẫn được xem là thiết thực đối với dịch truyền nhiễm tại từng địa phương (như Ebola), nhưng lại không đủ đối với một đại dịch toàn cầu. Cho đến nay, COVID-19 đã làm chết 6,5 triệu người trên toàn thế giới (riêng Việt Nam là 43.178 người).
Một số đề nghị cho hiệp ước bao gồm chia sẻ thông tin và bộ mã giải trình tự gene của loại virus gây bệnh, và luật phân phối vắc xin một cách công bằng.
Tháng 7 vừa qua, các nước thành viên đã đồng tình về mặt bắt buộc pháp lý của thỏa thuận mới này. Một cuộc họp khác mang tính quyết định sẽ diễn ra vào tháng 12.
Đây sẽ là thảo luận thứ hai về mặt sức khỏe, sau hội nghị kiểm soát thuốc lá năm 2003 – một thỏa hiệp nhằm giảm việc hút thuốc qua thuế và luật quảng cáo, dán nhãn cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao…
Các nước nhìn nhận thỏa hiệp này như thế nào?
Khối EU đã đề xuất thương lượng trên và được xem là nhóm ủng hộ chính. Các nước đang phát triển có xu hướng nhìn nhận những thỏa hiệp này như là thời cơ để đạt được một sự tiếp cận vắc xin tốt hơn, đặc biệt là sau cáo buộc từ tổng giám đốc WHO – ông Tedros – về sự “phân biệt chủng tộc trong phân bổ vắc xin”.
Hạn chót để các thành viên đóng góp ý kiến là tại một cuộc họp công khai vào tháng 12 này. Hiện vẫn chưa rõ về phương thức kết hợp giữa những quy định năm 2005 và thương lượng về đại dịch mới.
Nhưng có một gợi ý là chúng có thể bổ trợ lẫn nhau. Khi đó, những điều lệ sẵn có sẽ được áp dụng cho những bùng phát dịch cục bộ. Những điều lệ mới sẽ được thi hành nếu WHO công bố dịch bệnh lây lan là đại dịch. Nhưng biện pháp buộc các nước thi hành bộ luật để đảm bảo tuân thủ vẫn còn bỏ ngỏ.
Những cải cách nào khác đang được cân nhắc?
Việc xem xét lại bộ luật 2005 đang được bàn luận song song. Đề xuất này đã được đệ trình bởi Hoa Kỳ, khối EU và nhiều quốc gia khác.
Đề xuất của Washington là nhằm tăng minh bạch và cho phép WHO được tiếp cận nhanh hơn những ổ bùng phát dịch. Một số nhà ngoại giao khác cho rằng chúng quá tham vọng. Trung Quốc và một số nước khác lại yêu cầu một sự tự chủ quốc gia và lên tiếng phản đối.
Trung Quốc đã cho phép các đoàn chuyên gia của WHO ghé thăm Vũ Hán – trung tâm bùng phát đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, WHO lên án Trung Quốc vẫn đang từ chối chia sẻ thông tin lâm sàng từ những ca mắc sớm – những trường hợp có thể cho manh mối về nguồn gốc xuất phát của virus SARS-CoV-2.
Hiện những vấn đề đặt trọng tâm khi bàn thảo là khía cạnh công bằng (bao gồm việc tiếp cận tới vắc xin và thuốc), cũng như kêu gọi sự minh bạch trong giao dịch giữa nhà nước và các tập đoàn dược phẩm.
Nguồn: tuoitre.vn