Tờ China Daily đưa tin, cơ quan y tế Trung Quốc thời gian gần đây đã cho điều chỉnh nhiều biện pháp phòng ngừa biến thể Omicron của Covid-19.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc, ông Chung Nam Sơn đêm 10/12 nói rằng, chính quyền nước này trước đây khi đối mặt với những biến thể của Covid-19 có tỷ lệ gây tử vong cao đã buộc phải thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch hết sức ngặt nghèo, với mục đích giảm thiểu khả năng dịch bệnh lây lan mất kiểm soát.
Tuy nhiên với Omicron, biến thể này dù có khả năng lây nhiễm cao nhưng tỷ lệ gây tử vong được ghi nhận ở nhiều thành phố lớn lại chỉ đạt 0,1%. “Omicron chủ yếu tấn công vào những bộ phận thuộc hệ hô hấp trên như mũi, miệng, cổ họng và hiếm khi gây ra triệu chứng viêm phổi ở người nhiễm”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, những biện pháp phòng dịch ‘tối ưu hóa’ ghi trong thông tư về Cơ chế chung phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành hôm 7/12 “đã bắt đầu phát huy hiệu quả”.
Người dân Trùng Khánh, Trung Quốc đi mua thuốc hôm 10/12.
“Chẳng hạn, chính quyền thành phố Quảng Châu, Quảng Đông những ngày qua đã nâng cao việc kiểm soát dịch bệnh ở một số khu vực quan trọng như viện dưỡng lão, trường học… Đồng thời, chính quyền nơi đó cũng đẩy mạnh việc tiêm chủng cho người dân, nhất là những nhóm dân số dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh”, ông Chung nhấn mạnh.
Khi được phóng viên tờ China Daily đặt câu hỏi về việc thông tư của Quốc vụ viện Trung Quốc quy định người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể tự cách ly tại nhà nếu điều kiện cho phép, ông Trung nói rằng bản thân hoàn toàn ủng hộ quy định trên.
“Theo tôi, số đông trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng không cần nhận sự điều trị từ các cơ sở y tế. Thay vào đó, họ chỉ cần nghỉ ngơi từ 5-7 ngày. Đồng thời, quy định trên cũng đảm bảo các cơ sở y tế có đủ nguồn lực để điều trị cho những ca mắc Covid-19 có tình hình sức khỏe nghiêm trọng hơn”, ông Chung nhận định.
Ở một diễn biến khác, các quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm 10/12 đã nhấn mạnh về việc tăng cường hơn nữa nguồn lực phòng chống Covid-19 ở nước này, cũng như tập trung chăm sóc cho nhóm dân có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người già và trẻ nhỏ.
“Tất cả các cơ sở y tế cần kịp thời điều trị cho các trường hợp mắc bệnh như phụ nữ chuyển dạ, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Nghiêm cấm hành vi từ chối điều trị cho bệnh nhân hoặc trì hoãn việc điều trị với lý do kiểm soát dịch bệnh. Các chuyên gia nội khoa, chăm sóc y tế khẩn cấp và nhi khoa cũng cần được đào tạo trong lĩnh vực chăm sóc đặc biệt, để kỹ năng chăm sóc bệnh nhân nguy kịch khi cần thiết có thể phát huy hiệu quả”, bà Tiêu Nhã Huy, lãnh đạo Cục Quản lý Y tế thuộc NHC cho hay.
Đối với nhóm dân là người cao tuổi, bà Tiêu nói rằng chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa trong việc thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của nhóm người này.
“Các bệnh viện tuyến trên cần thiết lập các hình thức chuyển tuyến đặc biệt, để người cao tuổi có thể chuyển tuyến trực tiếp và nhanh chóng khi cần thiết”, bà Tiêu nhận định.
Nguồn: vietnamnet