Chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam đã nhập tới 211.000 tấn thịt gà, chưa kể 165.000 tấn thịt heo, 119.000 tấn thịt bò và 135.000 tấn thịt trâu.

Thịt gà ê hề vẫn đua nhau nhập - Ảnh 1.

Nguồn cung thịt gà trong nước khá dồi dào nhưng các doanh nghiệp vẫn đua nhau nhập thịt gà đông lạnh 

Trong khi đó, với giá thành cao hơn giá bán, nhiều người chăn nuôi trong nước lỗ nặng, bình quân lỗ khoảng 1.000 đồng/kg với gà lông trắng và 1.800 đồng/kg với gà lông màu.

Nguồn cung dư thừa, vẫn nhập thêm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Dương, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết nguồn cung thịt heo, gà… trong nước khá dồi dào, thậm chí dư thừa. Việc nhập khẩu quá nhiều thịt heo, gà, trâu, bò trong thời gian qua dẫn tới nguồn cung càng bị dư thừa, kéo giá thịt hơi trong nước giảm, người chăn nuôi thua lỗ.

Theo ông Dương, từ tháng 11 đến nay, giá heo hơi cũng chỉ dao động quanh mức 50.000 – 55.000 đồng/kg. Với giá này, người dân nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng do giá thành chăn nuôi ở mức từ 60.000 – 65.000 đồng/kg bởi giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng mạnh.

Theo ông Lê Văn Quyết – phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, giá gà dù ổn định hơn năm ngoái nhưng người nuôi vẫn bị thua lỗ do giá thành sản xuất tăng cao, giá bán thiếu ổn định, đặc biệt là gà lông màu hiện xuống dưới giá thành.

Ngoài ra, với đặc thù được tiêu thụ nhiều ở kênh bếp ăn tập thể, nhưng ngành sản xuất trong nước đang gặp khó khăn, nhiều công ty giảm quy mô, thậm chí ngưng sản xuất khiến nhu cầu về thịt gà công nghiệp thời gian tới có khả năng giảm nhiều, ảnh hưởng đến giá bán.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu tiêu thụ đang ở mức thấp và được dự báo còn giảm, trong khi giá thành sản xuất đã tăng khá cao với trên dưới 29.000 đồng/kg nhưng khả năng còn tăng nữa vì giá thức ăn chăn nuôi (chiếm 70 – 80% cấu thành giá) sang năm tới có thể sẽ còn tăng. Do đó, khó khăn là chưa hết với người nuôi gà.

“Thực tế việc nhập khẩu thịt gà đã giảm nhiều nhưng nếu được có thể cho giảm thêm để tạo điều kiện cho người chăn nuôi trong nước được vực dậy, bởi năm ngoái đã thua lỗ nặng, năm nay vẫn chưa gỡ lại được nhiều”, ông Quyết thông tin.

Cần hạn chế nhập thịt gà đông lạnh

Để bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, ông Dương cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần phải hạn chế nhập khẩu thịt. Đối với nhập khẩu chính ngạch, phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt gần hết hạn sử dụng (cận date) hoặc hết date.

“Đối với nhập khẩu trâu, bò… qua đường tiểu ngạch, phải dừng ngay bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh và thực phẩm không đảm bảo an toàn do sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nếu không thì người chăn nuôi trong nước thiệt đơn thiệt kép”, ông Dương kiến nghị.

Ông Đỗ Hữu Phương, trưởng đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Bộ NN&PTNT), cũng cho rằng cần có biện pháp giảm nhập khẩu thịt gia cầm đông lạnh, nhất là khi nguồn cung trong nước đang dồi dào.

“Cùng với việc giảm nhập thịt gà đông lạnh, cần tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng”, ông Phương đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Long – cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), quy định về nhập khẩu thịt heo đông lạnh nói riêng và thịt động vật nói chung đã cơ bản có đầy đủ theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Theo đó, tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu từng lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các tác nhân gây bệnh theo quy định, bảo đảm các yêu cầu mới được phép nhập vào Việt Nam.

“Có thể nói việc kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt heo nói riêng và thịt động vật các loại nói chung từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam được tổ chức kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định”, ông Long nói.

Giá thành tăng cao, giá bán giảm mạnh

Chọn nuôi gia công để giảm thiểu rủi ro nhưng bà Nguyễn Thị Lạc (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết hơn hai năm qua, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thú y… đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp lên cao với trên dưới 29.000 đồng/kg.

Do đó, dù giá gà xuất bán được công ty cho tăng nhưng tính ra mức lợi nhuận cũng không quá nhiều, trường hợp nuôi không đạt năng suất có thể bị thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Đức – một người chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai, giá gà trong năm qua khá bất thường, có thời điểm xuống dưới 30.000 đồng, thậm chí 20.000 – 25.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi tiếp tục lỗ nặng. Trong khi đó, theo người chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi và giá thuốc thú y chỉ có tăng chứ hầu như không giảm, càng gây khó cho ngành chăn nuôi.

Chi 3 tỉ USD để nhập các sản phẩm chăn nuôi

Theo Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chỉ đem về 361 triệu USD, nhưng phải chi tới 3 tỉ USD để nhập khẩu các mặt hàng cùng loại. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, dù đã giảm nhập khoảng 10% nhưng Việt Nam nhập khẩu khoảng 544.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt.

Ấn Độ là một trong số quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt nhiều nhất với khoảng 130.000 tấn thịt (tăng 51,1% về lượng so với cùng kỳ năm 2021).

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt trâu tươi đông lạnh, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh. Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh. Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chăn nôithịt gà

Các tin liên quan đến bài viết