Bộ Công an cho biết, hình thức lừa đảo giả mạo là người nước ngoài rồi lên mạng xã hội làm quen và gửi quà về Việt Nam dù không phải cách thức mới nhưng vẫn có nạn nhân sập bẫy.
LTS: Với thủ đoạn tinh vi, đa dạng, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng đồng qua nhiều vụ việc. Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm xử lý, nhiều người vẫn sập bẫy. Vào thời điểm cuối năm, từ cảnh báo của cơ quan chức năng, báo VietNamNet thực hiện các bài viết nhằm chỉ rõ thủ đoạn lừa đảo, cách để người dân phòng tránh loại tội phạm này.
Theo Bộ Công an, thủ đoạn lừa đảo nêu trên thường được thực hiện dưới hình thức giả mạo là người nước ngoài (sỹ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự không có người thân) thông qua mạng xã hội làm quen, sau đó lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng có giá trị rất lớn nhờ nhận, quản lý, lưu giữ.
Sau đó, nhóm đối tượng giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế… yêu cầu nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt, chi phí tiêu cực vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định để chiếm đoạt. Bằng thủ đoạn này, đã có rất nhiều nạn nhân sập bẫy với số tiền từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ đồng.
Trần Thị Bích Tuyền tại cơ quan công an.
Điển hình một số vụ án được cơ quan công an triệt phá phải kể đến đường dây do Trần Thị Bích Tuyền (SN 1982, trú huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) là mắt xích chính.
Cụ thể, năm 2017, tài khoản Facebook của người phụ nữ ở tỉnh Quảng Ninh được một người có tên Patrick Paul gửi kết bạn và nói chuyện thông qua phần mềm dịch tự động trên mạng. Người này cho biết đang làm việc trong quân đội Mỹ, đóng tại Afghanistan.
Sau một thời gian trò chuyện, người có tên Patrick Paul tiết lộ được cơ quan an ninh Mỹ cho 1,2 triệu USD và nhờ người phụ nữ này nhận hộ tại Việt Nam để tránh thuế, hứa trả công.
Với thủ đoạn tinh vi, nạn nhân nhanh chóng đồng ý nhận hộ tiền nên cung cấp thông tin cá nhân, vài ngày sau, Patrick Paul nói rằng đã chuyển quà qua một công ty chuyển tiền, hẹn khoảng 3 ngày sau sẽ có người liên lạc để nhận.
Cùng thời điểm, có người tự xưng là nhân viên sân bay yêu cầu nộp tiền để nhận quà. Vì tin lời nên nạn nhân đồng ý và chuyển số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền, nạn nhân không nhận được quà và phát hiện mình bị lừa nên trình báo công an.
Quá trình bóc gỡ vụ án, cơ quan công an xác định đường dây lừa đảo nêu trên có sự câu kết giữa đối tượng ở nước ngoài và trong nước. Cách thức thực hiện được thực hiện tinh vi, lấy lòng tin của nạn nhân thông qua các “mồi nhử” là đồ vật có giá trị.
Đại diện Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác, không chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng yêu cầu và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.
Việc lừa đảo nêu trên diễn ra nhiều buộc các cơ quan ngoại giao vào cuộc cảnh báo. Cụ thể, Bộ phận Dịch vụ Công dân Mỹ (ACS) của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM cho biết, thường nhận được những phản ánh từ nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng. Các hình thức phổ biến nhất gồm có lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn, hoặc qua mạng xã hội từ các cá nhân tự xưng là công dân Mỹ đang đóng quân tại nước ngoài mạo danh là thành viên Quân đội Mỹ, nhà thầu quân đội hoặc nhân viên công ty/tổ chức quốc tế có văn phòng tại Việt Nam. Thông thường, những hành vi lừa đảo này nhằm mục đích thuyết phục các nạn nhân chuyển tiền cho chúng bằng cách tạo dựng mối quan hệ bạn bè, tình cảm hoặc hợp tác kinh doanh qua mạng để rồi sau đó lợi dụng mối quan hệ đó để lừa tiền. “Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo quý vị không chuyển tiền cho bất cứ cá nhân nào mà quý vị chưa từng gặp mặt trực tiếp”, cảnh báo nêu rõ. |
Nguồn: vietnamnet