“Hai chị em đã tát hết lượt ruộng chưa? Có kiểm tra lại bờ ruộng cẩn thận không?”. Bao năm qua, câu hỏi của mẹ tôi vẫn văng vẳng vọng về mỗi dịp chiều 30 Tết.

Tháng Chạp gần vãn. Con đường về làng băng qua cánh đồng đang vào vụ cấy. Dưới ruộng, các bà các chị thoăn thoắt đôi tay cắm nốt những dẻ mạ cuối cùng để kịp nghỉ ngơi đón Tết vui xuân.

Gần ba chục năm thoát li nhưng mỗi lần về quê ăn tất niên, đi qua con đường ấy, cả tuổi thơ xa lắc lại hiện về. Nhớ nhất là những chiều 30 tết, hai chị em tôi, lỉnh kỉnh vác cuốc xách gàu dây đi hết cánh đồng này sang cánh đồng kia, tát nước cho những thửa ruộng vừa mới cấy.

Năm nào cũng vậy, ngày 30 Tết, chị em tôi có hai nhiệm vụ quan trọng. Buổi sáng thì giúp bố mẹ nhặt rửa lá dong để gói bánh chưng. Còn buổi chiều, khi nồi bánh đã lên bếp, chị em tôi thực hiện nốt phần việc cuối cùng trong năm cũ, ấy là đi tát nước cho các thửa ruộng.

Mẹ tôi dặn: “Tát xong, hai chị em nhớ kiểm tra bờ ruộng cẩn thận để giữ nước trong 3 ngày Tết. Trời đang rét, lúa mới bén rễ mà để ruộng cạn sẽ chết, ra Giêng không còn mạ mà cấy dặm đâu các con ạ”.

Những cái Tết quê mãi không quên. 

Chị tôi vâng vâng dạ dạ rồi chạy ra đầu bếp, với lấy chiếc gàu dây đã cũ bám đầy màu phèn chua vàng óng. Chị lấy thêm cái cuốc nữa, treo gàu vào đầu cán, rồi gánh trên vai, giục tôi đi ra đồng. Tôi lẽo đẽo theo sau, trong lòng bực dọc, vừa đi vừa vùng vằng: “Những 5 thửa. Ruộng thì cao, mương thì sâu, tát hết lượt cũng mất cả buổi chiều”.

Trong lòng tôi ấm ức ghen tị với mấy đứa bạn cùng xóm, giờ này chúng nó đã được ra sân kho hợp tác xã đánh đáo, đánh bi, còn mình thì năm nào cũng phải đi tát nước. Chị tôi phải khéo động viên: “Hôm nay ruộng vẫn còn nhiều nước, chị em mình tát nhanh thôi”.

Từ làng ra ruộng, hai chị em đi men theo bờ mương nhỏ, từng đợt gió bấc quất vào mặt lạnh rát. Hai bàn chân trần của tôi thâm tím vì giá. Hai hàm răng run run thỉnh thoảng cứ bầm bập vào nhau. Cổ tôi rụt lại trong chiếc áo bông, đi nép sau lưng chị.

Chị tôi lại bảo: “Đi nhanh lên em, tát mấy chục gàu là ấm người ngay ấy mà”. Rồi ra đến nong nước ngoài ruộng, chị tôi rút lại phần dây gàu bên phía mình cho ngắn lại, để tôi đỡ bị nặng mà mỏi tay, không kéo được lâu.

Đã đi tát nước với chị nhiều lần nên tôi biết rõ từng thửa ruộng nhà mình cần phải tát bao nhiêu gàu là đủ. Thế nên, vừa tát, tôi vừa đếm từng gàu, như đếm khoảnh khắc mùa xuân đang đến thật gần.

Tát xong một thửa, tôi nhanh chóng thu gàu để đi sang thửa tiếp theo. Còn chị thì vác cuốc đi một vòng quanh bờ ruộng, xem có chỗ nào bị rò, bị vỡ để còn đắp lại cho nước không chảy sang ruộng nhà hàng xóm, mất công sáng mùng 1 phải đi tát lại thì xui cả năm.

Chiều mỗi lúc một muộn mà cứ tát hết thửa này đến thửa khác. Thửa nào ở gần nong nước ven mương thì tát còn nhanh. Chứ thửa ở giữa đồng, hai chị em phải hì hục be bờ dẫn nước qua ruộng nhà khác chảy vào ruộng nhà mình. Có khi phải tát một thôi mấy trăm gàu, nước mới kịp “bén” đến đầu ruộng của nhà.

Sốt ruột như có kiến đốt trong lòng, cứ tát được một lúc tôi lại bảo chị nghỉ giải lao đi xem ruộng nước đã đủ chưa. Ấm ức, nghĩ về bọn bạn trong xóm, sao mà chúng nó sướng còn đời mình thì khổ thế cơ chứ. Miệng tôi làu bàu, nước mắt cứ chực trào ra. Chị tôi lại phải bảo: “Thôi, em cố một chút, mai yên tâm mà nghỉ tha hồ chơi Tết. Bố mẹ ra mà thấy ruộng chưa đủ nước, mai chị em mình nghỉ chơi Tết  luôn”.

Hai chị em tôi tát xong thửa ruộng cuối thì trời đã ngả sang chiều muộn. Nhìn về phía làng, từng đụn khói lam chiều trong bếp nhà ai đã bắt đầu phả lên, bảng lảng trên những rặng tre già. Giờ này, nhà nhà trong làng đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều tất niên. Tôi vứt vội chiếc dây gàu xuống nong nước, quần ống thấp ống cao, ba chân bốn cẳng chạy về nhà, mặc cho chị ở lại kiểm tra bờ ruộng.

Vừa thấy tôi về đến cổng, mẹ tôi đang nấu ăn trong bếp đã ngoái cổ ra hỏi: “Hai chị em đã tát hết lượt ruộng chưa? Có kiểm tra lại bờ ruộng cẩn thận không?”. Tôi đáp qua quýt cho mẹ yên tâm rồi vào nhà thay quần áo, lao ra sân kho vớt vát chút thời gian còn lại của chiều cuối năm, chơi với mấy thằng bạn, tận xâm xẩm tối mới về.

Suốt những năm học cấp 2 rồi cấp 3, bao mùa xuân đi qua là bấy nhiêu lần chị em tôi đi tát nước chiều cuối năm. Cho đến một ngày, chị em tôi thoát li, trở thành “người thành phố”, đúng như tâm nguyện của bố mẹ tôi-những người quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” nhưng luôn mong con cái lớn lên thoát khỏi lũy tre làng.

Bây giờ, làng quê thay da đổi thịt, khoác lên mình màu áo nông thôn mới. Ruộng đất dồn điền đổi thửa, không còn manh mún như xưa. Công việc đồng áng đã được cơ giới hóa, điện khí hóa. Những chiếc gàu dây, gàu xòng đã vắng hẳn. Nhưng ký ức tuổi thơ gian khó thì vẫn vẹn nguyên. Để rồi mỗi lần đi giữa con đường đã từng in dấu chân một thời băng đồng qua ruộng, lòng lại thầm hỏi: Còn ai tát nước chiều cuối năm?

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Chuyện Tết xưatết này

Các tin liên quan đến bài viết