Tuy chỉ 5 ngày “cưỡi ngựa xem hoa” trên đất Thái Lan nhưng chuyến di đã để lại cho chúng tôi rất nhiều điều thú vị. Là một quốc gia ở Đông Nam Á, Thái Lan có rất nhiều nét tương đồng trong văn hóa, đời sống sinh hoạt với Việt Nam, nhưng cũng có không ít điều khác biệt. Đặc biệt, những khác biệt trong văn hóa giao thông, du lịch và ứng xử nơi công cộng rất đáng để suy ngẫm.
Tại Thái Lan, người dân đi lại chủ yếu bằng xe hơi. Ở các thành phố lớn như Bangkok, Pattaya thì xe hơi chiếm tỷ lệ lớn. Ở Thái Lan, các phương tiện giao thông đều đi bên trái và ý thức chấp hành giao thông của người dân rất cao. Trên đường cao tốc, đường phố không có tình trạng tranh làn, cướp tuyến. Mọi người rất có ý thức và trật tự trong lưu thông nên các điểm kẹt xe không xảy ra tình trạng hỗn loạn. Đặc biệt, việc bấm còi xe ở Thái Lan là điều tối kỵ đối với các tài xế. Tại bến xe, bãi đỗ, sân bay, siêu thị… không có bất kỳ một nhân viên hướng dẫn nào, nhưng các tài xế đều dừng, đỗ xe trật tự và quy củ. Vì vậy, trên các tuyến cao tốc hay đường phố, hoặc tại các nút giao thông của Thái Lan chúng tôi không hề thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông. Trong khi đó, ở nước ta tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, tranh làn, lấn tuyến, vượt đèn đỏ thường xuyên xảy ra.
Ở nước ta, lái xe đều dùng còi xe trong mọi tình huống, dù ai cũng biết việc bấm còi cũng không giải quyết được nạn tắc đường. Tại cổng một số trường học ở thị xã Đồng Xoài, phụ huynh đưa rước con vừa tranh đường, lấn tuyến vừa bấm còi inh ỏi làm khung cảnh thêm hỗn loạn.
Tại các khu du lịch của nước bạn không có cảnh bán hàng rong, xin ăn chèo kéo như ở ta. Những hộ kinh doanh hàng lưu niệm tại khu du lịch được sắp xếp thành các gian hàng bài bản và khoa học. Người bán hàng rất lịch sự không nói thách giá, hay “chặt chém” như ở Việt Nam. Một số nơi, tình trạng xin ăn, móc túi du khách, cò mồi mua hàng đặc sản… làm cho du lịch ở nước ta ngày càng mất điểm đối với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, người dân Thái Lan luôn giữ trật tự nơi công cộng, hạn chế tới mức tối thiểu những va chạm, cãi vã hay chen lấn, xô đẩy… là một điều rất đáng học tập.
Một chuyện rất tế nhị là tại các điểm du lịch của bạn có không ít bảng khuyến cáo bằng tiếng Việt làm nhiều khách du lịch Việt phải chạnh lòng. Bởi du khách đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ nhưng các bảng khuyến cáo chỉ viết bằng tiếng Việt, tức chỉ dành cho người Việt như “Xin đừng xả rác”, “Xin đừng vứt tăm xuống hồ cá”, “Xin không được to tiếng”… Tại các bàn tiệc buffel đều có bảng khuyến cáo “Quý khách vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”, “Xin đừng lấy thừa sẽ bị phạt…”. Thế nhưng nhiều người do “đói con mắt” vẫn lấy thức ăn vô tội vạ nhưng dùng không hết, để thừa mứa vừa lãng phí vừa rất phản cảm!
Anh bạn cùng đoàn đã lặng lẽ chụp những tấm biển viết bằng tiếng Việt trên đất Thái. Tôi biết anh tự ái và thấy xót xa trong lòng. Tôi cũng thế. Chỉ mong sao có nhiều người Việt biết tự ái khi nhìn thấy những tấm biển ấy!
Nguồn Báo Bình Phước