Các doanh nghiệp nước ta đã chi 1,21 tỷ USD nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt trong 10 tháng đầu năm. Song, những ngày gần đây, hàng lậu vẫn tuồn qua biên giới về Việt Nam.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, 10 tháng năm nay, Việt Nam nhập khẩu gần 545 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,21 tỷ USD. Lượng hàng nhập về giảm 11,9%, nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, 10 tháng năm 2022, nhập khẩu các mặt hàng này từ Ấn Độ lên tới 418,63 triệu USD, tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, trong tháng 10/2022, nhập khẩu thịt từ Ấn Độ tăng hơn 114% về lượng và tăng gần 209% về trị giá so với tháng 10/2021, chiếm 20,4% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của nước ta trong tháng.

Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ mức 3.199 USD/tấn, tăng 44,3% so với tháng 10/2021.

10 tháng năm nay, các doanh nghiệp chi 1,21 tỷ USD nhập khẩu thịt, sản phẩm từ thịt 

Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tháng 10 năm 2022, nước ta nhập khẩu chủ yếu các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm (nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh); thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt lợn và thịt gia cầm tiếp tục giảm, còn nhập khẩu thịt trâu và thịt bò tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tính toán từ cơ quan chức năng, thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt trong nước khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa nên lượng nhập khẩu tới đây dự báo sẽ không tăng đột biến.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ NN-PTNT phải gửi văn bản cho nhiều địa phương yêu cầu tập trung chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn trâu, bò vận chuyển, buôn bán trái phép qua biên giới. Thời gian qua, hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới miền Trung vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Lào, Campuchia.

Theo Bộ NN-PTNT, việc buôn bán vận chuyển trái phép trâu bò vào nước ta làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như: lở mồm long móng, viêm da nổi cục; trâu bò nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : hàng lậunhập khẩu thịt

Các tin liên quan đến bài viết