Nhận định về hành vi đưa hối lộ cho cựu đội trưởng chống buôn lậu Ngô Văn Thụy, tòa cho rằng trước khi bị phát giác các bị cáo đã chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ nên việc đình chỉ điều tra là phù hợp.

Đại án xăng dầu: Tại sao đình chỉ điều tra, không xử lý người đưa hối lộ? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tứ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ do đã khai báo về hành vi này trước khi bị phát giác 

Ngày 7-12, phiên tòa sơ thẩm xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 198 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ tiếp tục phần tuyên án.

Không đồng ý trả lại một phần tiền đưa hối lộ cho các bị cáo

Ngày thứ ba tuyên án, hội đồng xét xử đưa ra nhận định về tội danh, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo.

Theo đó, bị cáo Ngô Văn Thụy (58 tuổi, cựu đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan) là bị cáo duy nhất bị truy tố về hành vi “nhận hối lộ”.

Tòa nhận định hành vi của Thụy thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng, theo nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự, cần phải bị nghiêm trị.

Đối với các bị cáo Phan Thanh Hữu (trùm buôn lậu), Nguyễn Hữu Tứ (trùm tiêu thụ) và Trần Ngọc Thanh (người tình của Tứ) có hành vi đưa hối lộ cho Thụy, trước khi bị phát giác các bị cáo đã chủ động khai báo hành vi của mình. Do đó, ngày 20-1-2022, cơ quan điều tra đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với các bị cáo trên về tội “đưa hối lộ”, đồng thời trả lại một phần tiền đưa hối lộ cho các bị cáo.

Đại án xăng dầu: Tại sao đình chỉ điều tra, không xử lý người đưa hối lộ? - Ảnh 2.

Cựu đội trưởng chống buôn lậu Ngô Văn Thụy – bị cáo duy nhất bị xét xử hành vi nhận hối lộ tại phiên tòa 

Cụ thể, cơ quan điều tra tịch thu của Thụy hơn 832 triệu đồng tiền hối lộ. Trong đó, số tiền hơn 424 triệu đồng tịch thu sung công quỹ Nhà nước, còn lại 408 triệu đồng trả lại cho Hữu (250 triệu đồng) và Tứ (158 triệu đồng).

Hội đồng xét xử nhận định việc đình chỉ điều tra phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thể hiện Hữu, Tứ và Thanh là người chủ động đưa hối lộ, Thụy không gợi ý và không ép buộc các bị cáo phải đưa tiền.

Do đó, việc cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ đã có cân nhắc và xem xét theo hướng có lợi cho các bị cáo. Vì vậy, việc trả lại một phần tiền đưa hối lộ cho các bị cáo là không phù hợp.

Hội đồng xét xử xác định số tiền cơ quan điều tra quyết định trả lại cho các bị cáo là vật chứng của vụ án, dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật nên cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Đại án xăng dầu: Tại sao đình chỉ điều tra, không xử lý người đưa hối lộ? - Ảnh 3.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm trong đại án xăng dầu 

Phân hóa vai trò các bị cáo thành năm nhóm

Ngoài Thụy, 73 bị cáo khác đều bị xét xử về hành vi buôn lậu theo quy định tại điều 188, Bộ luật hình sự năm 2015. Căn cứ vào số lượng xăng buôn lậu, số tiền thu lợi bất chính, thời gian các bị cáo bị tạm giam, tòa phân hóa vai trò và cá thể hóa hình phạt với từng bị cáo.

Để có hình phạt phù hợp thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, hội đồng xét xử phân hóa vai trò của các bị cáo thành năm nhóm.

Nhóm thứ nhất là các bị cáo trực tiếp góp vốn mua xăng nhập lậu đưa qua biên giới gồm Đào Ngọc Viễn, Phan Thanh Hữu và Nguyễn Minh Đức. Ba bị cáo này được xác định là nhóm có vai trò chính, chủ mưu, cầm đầu cần phải bị nghiêm trị. Ngoài ra, trong nhóm này còn có các bị cáo giúp sức trong việc vận chuyển xăng nhập lậu trên các tàu và thu chi tài chính có vai trò thấp hơn.

Nhóm thứ hai là các bị cáo giúp sức trực tiếp, đặc biệt tích cực cho “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu trong việc vận chuyển xăng nhập lậu vào nội địa và tiêu thụ số lượng rất lớn gồm Nguyễn Hữu Tứ (số lượng hơn 161 triệu lít) và vợ chồng Trần Thị Thanh Vân, Lê Thanh Tú (hơn 35 triệu lít).

Đại án xăng dầu: Tại sao đình chỉ điều tra, không xử lý người đưa hối lộ? - Ảnh 4.

Các bị cáo có người thân cùng bị xét xử trong vụ án như cha con, vợ chồng, anh em… tùy vào vai trò, được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong ảnh: bị cáo Phan Lê Hoàng Anh, con trai “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu, tại phiên tòa

Đặc biệt, Vân và Tú còn dùng tàu chuyên dụng của mình lấy xăng trực tiếp từ Hữu nên cần có hình phạt thật nghiêm khắc. Ngoài ra, trong nhóm này có các bị cáo giúp sức vận chuyển xăng lậu trên các tàu, giúp sức trong việc thu chi tài chính hay thực hiện các công việc khác có vai trò thấp hơn.

Nhóm thứ ba là các bị cáo thành lập kho Nam Phong để phân phối, tiêu thụ hơn 101 triệu lít xăng gồm Lê Thanh Trung và đồng phạm. Trung được xác định giúp sức đặc biệt cho Tứ nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc.

Nhóm thứ tư là các bị cáo mua hàng nhập lậu, lấy hàng từ kho Nam Phong để bán lại. Về cơ bản nhóm này được chiết khấu ít hơn các bị cáo trên nên được xác định là ít tích cực hơn. Vì vậy, cần xem xét số lượng xăng nhập lậu của từng bị cáo để có hình phạt phù hợp.

Nhóm thứ năm là các thuyền trưởng, thuyền viên trên các tàu vận chuyển đều bị tạm giam. Các bị cáo này có vai trò thấp, cần thiết xử bằng thời gian đã bị tạm giam, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Các bị cáo có người thân cùng bị xét xử trong cùng vụ án như cha con, vợ chồng, anh em… tùy vào vai trò, được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Đại án xăng dầuđình chỉ điều trađưa hối lộ

Các tin liên quan đến bài viết