Một phụ nữ ăn hai miếng bỏng ngô. Ngay sau đó, bà chóng mặt, ói mửa. Đưa vào bệnh viện, kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa).

Ngộ độc vì ăn bánh kẹo, hút thuốc lào... có cần sa - Ảnh 1.

Cây cần sa từng được trồng lén lút 

Cần sa, ma túy là chất cấm, không được phép buôn bán và sử dụng tại Việt Nam. Thế nhưng thực tế vẫn có rất nhiều “kênh” bán hàng “núp bóng” dưới dạng các sản phẩm khác từ bánh kẹo, nước ngọt đến thuốc lá điện tử…

Mới đây, một nữ bệnh nhân 56 tuổi tại Hà Nội sau khi ăn hai miếng bỏng ngô liền có biểu hiện chóng mặt, nôn.

Bệnh nhân được cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa.

Từ bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc đến thuốc lá điện tử

Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nhiều dạng ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc.

Ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống với thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt chất ma túy.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – cho hay Trung tâm chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Đây là lần đầu tiên trung tâm phát hiện trường hợp ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô.

Ngày 4-12, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng có thông tin cảnh báo về bánh Lazy Cakes thường gọi là “bánh lười”. Đây là loại bánh ngọt có tẩm cần sa mới du nhập vào Việt Nam với giá bán khoảng 200.000 – 300.000 đồng/bánh.

Ngoài ra, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng liên tục tiếp nhận những trường hợp ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Đã có trường hợp hôn mê, tổn thương não sau khi hút thuốc lá điện tử. Qua các xét nghiệm cho thấy tinh dầu bệnh nhân sử dụng có chứa ma túy tổng hợp.

Ngộ độc vì ăn bánh kẹo, hút thuốc lào... có cần sa - Ảnh 2.

Một loại thực phẩm chứa cần sa 

Ngộ độc vì ăn bánh kẹo, hút thuốc lào... có cần sa - Ảnh 3.

Nhiều loại bánh kẹo có chứa cần sa được rao bán trước đây 

Làm sao nhận biết thực phẩm chứa chất gây nghiện?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tinh dầu cần sa có giá 50.000 – 150.000 đồng/5ml, thậm chí có thời điểm chỉ còn 20.000 đồng/5ml.

Thông thường những người bán sẽ đưa tinh dầu vào các lọ sơn móng tay, hay các lọ tinh dầu thông thường để “qua mặt” cơ quan chức năng và cũng chỉ bán khi có người quen giới thiệu. Những tinh dầu cần sa này có thể sử dụng để hút thuốc lá điện tử hoặc tẩm vào các thực phẩm khác tùy người dùng.

Bác sĩ Trần Quốc Cường – phó trưởng bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – hướng dẫn người tiêu dùng có thể nhận biết qua tên trên bao bì của chúng.

Thông thường những sản phẩm chứa cần sa thường có chữ Cannabis, vì đó là tên khoa học của cây cần sa (Cannabis Sativa L.). Ví dụ như Cannabis cookies tức là bánh có chứa cần sa, Cannabis candy tức kẹo có chứa cần sa, Cannabis coke tức nước ngọt có chứa cần sa, Cannabis popcorn tức bỏng ngô chứa cần sa.

Bác sĩ Cường cho biết thêm, thường đây là các sản phẩm ngoại nhập và các nhà sản xuất không ghi rõ cần sa (tên tiếng Anh là Marijuanas) trên bao bì.

Một số nơi trên thế giới cho phép sử dụng chất này nên mới có trường hợp các nhà sản xuất kinh doanh sản phẩm có chứa chất này như một hình thức thực phẩm chứa chất gây nghiện. Đối với sản phẩm ngoại nhập, quy định tại nước ta là phải có nhãn phụ, do đó người tiêu dùng có thể nhận biết khi đọc nhãn phụ.

Cũng theo bác sĩ Cường, nếu các chất gây nghiện được pha trộn thủ công vào thực phẩm tại Việt Nam, không có thông tin thành phần trên bao bì thì không có cách nào để nhận biết trước khi dùng.

Ngộ độc cấp dễ xảy ra ở trường hợp ăn thực phẩm chứa cần sa hơn là hút. Vì ăn thì cần sa tác dụng chậm nên người ăn thường quá liều. Ngộ độc cấp cần sa cũng có thể xảy ra ở những trường hợp vô tình ăn phải thực phẩm chứa cần sa, đặc biệt là trẻ em do không biết thực phẩm đó có chứa cần sa.

Bác sĩ Trần Quốc Cường

Ăn thực phẩm chứa cần sa dễ ngộ độc hơn hút cần sa

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM) – cho rằng nếu người dân ăn phải thực phẩm chứa chất gây nghiện thường sẽ có cảm giác hưng phấn, rất muốn dùng lại chính thực phẩm này. Đây có thể là chiêu trò để lôi kéo khách hàng “dài hạn” của các cơ sở kinh doanh.

“Nếu người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ khi sử dụng thực phẩm này trong thời gian dài thì bản thân họ muốn tăng liều, từ đó dễ gây ngộ độc, đặc biệt là hệ thống thần kinh.

Trước đó sinh hoạt hằng ngày của họ không còn bình thường như trước, hay có biểu hiện cáu gắt, thẫn thờ, học tập xuống dốc…”, bác sĩ Duy chia sẻ và khuyến cáo cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để có chỉ định xét nghiệm và điều trị phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho rằng hiện nay có rất nhiều loại ma túy không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hằng ngày, liên tục lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng.

Bác sĩ Trần Quốc Cường cảnh báo, ngộ độc cần sa chia thành hai mức: cấp tính và mãn tính. Cấp tính là người bệnh bị ngộ độc với những biểu hiện giống như trường hợp người phụ nữ ngộ độc bỏng ngô vừa qua như chóng mặt, nôn… Và ngộ độc cấp dễ xảy ra ở trường hợp ăn thực phẩm chứa cần sa hơn là hút cần sa.

Còn trường hợp mãn tính thì nếu nhẹ sẽ làm giảm trí nhớ, giảm tập trung, ảo tưởng; còn nếu nặng thì ảo giác, trầm cảm, tâm thần phân liệt, ý định tự sát…

Lưu ý các chất cần sa tổng hợp

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết cần sa là một loại ma túy tự nhiên và cổ điển, việc xét nghiệm phát hiện dễ dàng.

Tuy nhiên hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được các kẻ xấu thay đổi và tạo mới hằng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp), các phòng xét nghiệm hiện đại trong nước còn chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện. Bởi vậy, vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý.

Một phụ nữ ăn hai miếng bỏng ngô. Ngay sau đó, bà chóng mặt, ói mửa. Đưa vào bệnh viện, kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa)

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cần sangộ độcThực phẩm chứa cần sa

Các tin liên quan đến bài viết