Bài viết “Học trải nghiệm hay tham quan?” trên báo Tuổi Trẻ ngày 5-12 nhận được nhiều sự quan tâm, phản hồi của bạn đọc về cách tổ chức dạy trải nghiệm của các trường.
Đáng chú ý, hoạt động trải nghiệm lần đầu xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn học độc lập bắt buộc dạy cho học sinh từ lớp 1 đến 12. Thế nhưng sau ba năm triển khai, nó vẫn là “môn học” lạ gây nhiều bối rối.
Hướng dẫn một đằng, tập huấn một nẻo
Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thời lượng ba tiết/tuần, bao gồm chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần và học theo chủ đề.
Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các tiết chào cờ, sinh hoạt sẽ thực hiện đều đặn hằng tuần. Tiết học theo chủ đề không nhất thiết rải đều theo tuần mà có thể gộp lại tổ chức một hoạt động quy mô theo khối hoặc toàn trường. Mỗi tháng có thể tổ chức một buổi trải nghiệm như thế theo các chủ đề nhất định.
Tuy nhiên, theo một số hiệu trưởng thì ở các đợt tập huấn về chương trình mới họ được giải thích, hướng dẫn khác. “Chúng tôi được giải thích mỗi tuần ba tiết phải bố trí đủ ba tiết/tuần. Như thế thì không được gộp tiết để tổ chức các hoạt động lớn theo tháng” – thầy H., một hiệu trưởng ở Hà Nội, cho biết.
Hiệu trưởng này cho rằng trên thực tế các hoạt động theo chủ đề khó có thể tổ chức trong 45 phút (1 tiết), trừ giờ chào cờ và sinh hoạt lớp. Với thời gian eo hẹp đó, học sinh chỉ “vươn vai” đã hết giờ, còn làm gì khác được. Không riêng Hà Nội, mặc dù đã có hướng dẫn nhưng nhiều trường và giáo viên ở các địa phương khác cũng đang hiểu bắt buộc phải dàn ba tiết hoạt động trải nghiệm/tuần.
Do đó, nhiều trường đã áp dụng cứng thời lượng từng tuần. Cũng vì thế mà tiết hoạt động trải nghiệm theo chủ đề ở nhiều trường trở nên hình thức. Có nơi chỉ phát tài liệu cho học sinh đọc, trả lời theo phiếu đã hết giờ. Một số trường vẫn lúng túng với tiết học chủ đề nên giao cho giáo viên chủ nhiệm tự chủ động. Kết quả là có nhiều tiết trải nghiệm học sinh ngồi làm bài tập môn khác hay được giáo viên môn khác “xin tiết” để làm các việc khác…
Ai dạy hoạt động trải nghiệm?
Đây cũng là vướng mắc khác của các trường hiện nay. Ngoài tiết trải nghiệm trong giờ sinh hoạt lớp giao cho giáo viên chủ nhiệm, còn trải nghiệm ở chào cờ đầu tuần và theo chủ đề có nơi giao cho tổng phụ trách đội, bí thư Đoàn trường. Cũng có nơi giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn.
“Không có giáo viên chuyên trách sẽ rất khó bao quát, đánh giá học sinh theo đúng yêu cầu của chương trình” – hiệu trưởng một trường THCS ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ. Thầy S. – hiệu trưởng một trường THCS ở quận Long Biên, Hà Nội – cũng cho biết trường vẫn giao cho giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm hoạt động trải nghiệm lớp 6, 7 nhưng giáo viên tổ chức hoạt động chưa hiệu quả. Thầy S. cho rằng nên có biên chế cho giáo viên chuyên trách thay vì kiêm nhiệm như hiện nay. Giáo viên phải được bồi dưỡng phương pháp tổ chức hoạt động hằng năm và có đủ thời gian đầu tư cho công việc thì mới làm tốt được.
Nhưng theo một tác giả viết sách hoạt động trải nghiệm, vấn đề bất cập ở các trường là do nhiều giáo viên cùng được phân công kiêm nhiệm. Thêm vào đó, các trường chưa có kế hoạch tổng thể và chi tiết để giáo viên được phân công làm theo. “Chúng tôi dự rất nhiều buổi sinh hoạt lớp ở các địa phương khác nhau thì thấy đa số giáo viên chủ nhiệm vẫn tổ chức sinh hoạt lớp theo cách truyền thống. Tương tự ở các buổi chào cờ hay tiết học chủ đề cũng thế, khá hình thức. Thực chất học sinh không trải nghiệm gì cả mà chỉ miễn cưỡng đáp ứng theo dự dẫn dắt của thầy cô, miễn cưỡng tham gia các hoạt động một cách thụ động…” – tác giả trên chia sẻ.
Bộ GD-ĐT: Không cho điểm, chỉ nhận xét đánh giá
Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết các trường được quyền chủ động trong việc lựa chọn hình thức dạy học đa dạng và có thể lấy điểm hệ số 1, hệ số 2 dựa trên đánh giá học sinh khác nhau như bài kiểm tra, sản phẩm học tập, sản phẩm thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học hoặc hoạt động học tập thực tế ở ngoài nhà trường. “Nhưng nếu hoạt động trải nghiệm nằm trong chương trình hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì không cho điểm mà chỉ đánh giá, nhận xét” – ông Thành cho biết.
Nguồn: tuoitre.vn