Xung quanh câu chuyện một học sinh lớp 12 ở Bình Định tử vong trong lúc thi chạy 200m do nhà trường tổ chức, tiếp tục có nhiều ý kiến phản hồi. Đã đến lúc cần xem lại: thể thao học đường thiếu gì môn để tập luyện, đâu chỉ có chạy và… chạy!
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo tiếp tục giới thiệu các ý kiến góp ý thêm chuyện dạy giáo dục thể chất hiện nay trong trường học.
“Đây không phải là lần đầu học sinh thi chạy và tử vong. Do các em không được tập luyện và chạy quá sức rất dễ tử vong. Ngành giáo dục cần phải hướng dẫn để không xảy ra trường hợp tương tự. Thể thao cũng phải tập luyện chứ không phải cứ thích là chạy được.
Ý kiến bạn đọc Minh Tiến
– Xem lại tin này đến giờ tôi vẫn còn sợ. Lúc học cấp 3, tôi không nhớ rõ là học lớp 10 hay 11, do tôi có thành tích tốt trong môn chạy thể dục nên được đi thi Hội khỏe Phù Đổng.
Trước ngày thi đấu tôi phải một buổi đi học, một buổi bắt buộc tham gia diễn tập cho ngày lễ 30-4 của địa phương, tôi bị bệnh vẫn phải đi tập diễn ghép đội hình.
Do còn trẻ nên tính hiếu thắng. Vừa giảm bệnh xong tôi vẫn không bỏ cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng, tôi đăng ký chạy 200m, lúc trước khi chạy thầy thể dục hỏi có ổn không nhưng tôi không lường trước được nguy hiểm nên quyết định thi.
Lúc chạy về đích toàn thân tôi rụng rời, tim đập như muốn vỡ ra không thở nổi gần ngất xỉu, tôi cố gắng đứng vững, đi tới đi lui khoảng 15 phút sau nhịp tim mới trở lại bình thường.
Do đó cần phải có giám sát sức khỏe cho học sinh và phải có biện pháp ngăn ngừa cho học sinh tham dự các cuộc thi này để tránh điều đáng tiếc xảy ra. Xin chia buồn cùng gia đình.
Ý kiến bạn đọc Ba Phi
– Hồi tôi học đại học, ngán nhất là môn chạy này. Sinh viên nữ chạy xỉu lên xỉu xuống, mặt xanh lè. Vậy mà không biết sao trường không sợ, vẫn bắt tập hết khóa này đến khóa khác.
Giờ có người chết thì không biết có chịu bỏ cái môn này không?
Theo tôi, nên bỏ cái môn không hợp lòng này, thiếu gì môn thể dục khỏe khác, an toàn hơn, như cầu lông, yoga, aerobic…. mà không tập.
Ý kiến bạn đọc Hùng
– Thể thao học đường cần làm rõ khâu tuyển chọn học sinh tham dự hội thao.
Ngoài tố chất thể thao vận động tốt của các em học sinh thì khâu kiểm tra sức khỏe cần được làm nghiêm túc, để tránh những sự cố ngoài ý muốn.
Có thể là do bệnh lý nền nào đó mà nhà trường không phát hiện sớm như tim mạch, huyết áp, phổi,…
Tập luyện và thi đấu hội thao ở cường độ cao sẽ dễ dẫn đến đột quỵ. Nếu như khâu tuyển chọn ban đầu làm tốt thì sẽ không có chuyện đáng buồn này xảy ra.
Ý kiến bạn đọc Giáp Thắng
1- Cần phân biệt thể dục và thể thao. Thể dục có thể phổ biến cho mọi người, riêng thể thao dành cho chuyên nghiệp (với thể lực đi kèm).
2- Với thể dục, cần theo dõi sát nhịp tim khi huấn luyện: Nhịp tim cho phép: Dưới (200 – số tuổi) x 0,8
Ví dụ: Lớp 12, tuổi là 17, vậy nhịp tim cho phép dưới: 183×0,8 = 146.
Theo dõi trong thời gian thực khi tập luyện như thế nào? Mỗi học sinh phải đeo dụng cụ máy đo nồng độ oxy máu (có cả nhịp tim).
Ý kiến bạn đọc Trương Phú
– Rèn luyện thể thao là tốt nhưng khám sức khỏe trước cho học sinh là ưu tiên, rồi đến chạy ở cự ly nào thích hợp nữa, đâu phải học sinh là VĐV điền kinh đâu mà có sức khỏe dẻo dai vậy.
VĐV người ta tập luyện theo nguyên tắc nên tim mạch, phổi được điều hòa ở chế độ luyện tập rồi, còn các em học sinh thì sao được vậy chứ.
Ý kiến bạn đọc Phi Đặng Văn
– Thể thao học đường là rất quan trọng và các nước đã thực hiện thành công từ lâu. Quan niệm nhà trường phải khám bệnh cho các em là chưa chuẩn!
Phụ huynh là những người hiểu thể trạng con em mình rõ nhất ngay từ khi sinh ra. Phụ huynh phải có trách nhiệm cho con em đi khám bệnh tổng quát theo định kỳ! Đã chơi thể thao thì phải có thi thố và không chỉ riêng môn thể thao.
Việc thi đấu sẽ giúp các em thể hiện năng khiếu của mình nhằm có thể phát huy tối đa tố chất để có định hướng nghề nghiệp cho tương lai! Việc khám sức khỏe đầu năm trong các trường học là chưa đủ chính xác nên cần phải có phụ huynh chung tay góp sức trong vấn đề này.
Nguồn: vietnamnet