Lần đầu tiên, Bộ Công Thương chính thức trình Chính phủ đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, nâng cao sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng và cam kết của các sàn thương mại điện tử.

Quyết chặn hàng giả trên mạng - Ảnh 1.

Hàng hiệu nhưng giá vài trăm ngàn đồng dễ dàng tìm thấy ở các chợ 

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông TRẦN HỮU LINH – tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) – khẳng định việc xây dựng đề án này là cần thiết khi hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường điện tử đang diễn biến ngày càng phức tạp.

* Thưa ông, ông có thể khái quát thực trạng công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng hiện nay thế nào?

– Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương thì tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của năm 2021 đạt từ 13,5 – 13,7 tỉ USD. Dự báo năm nay thị phần bán lẻ trực tuyến là 16,5 tỉ USD và đến năm 2025 là 38 – 39 tỉ USD. Xu thế mua hàng của người dân đang có sự thay đổi nhanh chóng trong 2-3 năm gần đây và cả những năm tiếp theo với bất cứ mặt hàng nào, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát… phát triển mạnh. Nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu từ đây chiếm tới 90-95%.

Tuy vậy, thương mại điện tử trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường xác định đây là mặt trận mới, nhưng để làm được bài bản thì phải có nhiều công cụ hơn nữa. Thực tế, ba năm trở lại đây lực lượng đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỉ đồng nhưng đây là con số khiêm tốn so với thực tế. Ngoài ra, theo thống kê tại Bộ Công Thương, mỗi ngày có tới 5-6 khiếu nại của người tiêu dùng. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt môi trường online thì gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng và bản thân nền tảng mọi người mua online sẽ bị mất uy tín.

Chưa kể, những năm gần đây các kho hàng không còn tập trung ở các đô thị lớn mà có mặt trên toàn quốc, ở bất kỳ đâu nên gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý.

Quyết chặn hàng giả trên mạng - Ảnh 2.

Đề án này không phải là đề án để xin kinh phí, chúng tôi không nêu vấn đề kinh phí trong đề án, mà tập trung phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan để phối hợp ngày càng hiệu quả hơn vì lợi ích người tiêu dùng.

Ông TRẦN HỮU LINH

* Ngoài những khó khăn như ông vừa nêu, liệu có điều gì liên quan đến các quy định pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ?

– Theo quy định hiện nay, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước về đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với hàng giả, hàng kém chất lượng có sự tham gia của nhiều lực lượng như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa… Tuy vậy, mỗi cơ quan có văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền riêng nên trong quy định và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý. Chưa kể, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên liên tục, nên có độ trễ nhất định trong ra quyết định xử phạt.

Đặc biệt, thương mại điện tử có sự tham gia của bên thứ ba mà thương mại truyền thống không có, liên quan đến vận chuyển, thanh toán. Từ đó có tình trạng công ty chuyển phát không quan tâm hàng hóa vận chuyển là gì nên có thể tiếp tay hàng giả, hàng nhái và thậm chí là hàng cấm. Công cụ thanh toán, khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện nên cũng có những bất cập nhất định.

Hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng công nghệ nhưng việc ẩn đi, xóa chứng cứ cũng rất nhanh. Lúc đó, chúng tôi phải phối hợp lực lượng an ninh khôi phục, lập vi bằng, rất mất thời gian… Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp lý là cần thiết để có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng, giúp công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng được hiệu quả hơn.

Quyết chặn hàng giả trên mạng - Ảnh 4.

Hàng giả bày bán ngay trước cửa hàng thật tại quận 1, TP.HCM 

* Vậy theo ông, có cần hệ thống cơ sở dữ liệu chung để dùng làm công cụ quản lý hữu hiệu hơn?

– Chúng tôi cho rằng muốn quản lý được thì phải nắm được đối tượng. Với cá nhân và pháp nhân kinh doanh online thì Bộ Công Thương cũng có quy định cụ thể về đăng ký và hoạt động.

Tuy nhiên, rất cần có dữ liệu lớn, kết nối liên thông dữ liệu của các bộ ngành, nắm được từng đối tượng kinh doanh online. Một sàn có hàng nghìn người bán, rồi hàng vạn người bán hàng trên Zalo, Facebook, các mạng xã hội khác… khiến Nhà nước thất thu thuế rất nhiều, nên cần phải có cơ sở dữ liệu để nắm được đối tượng thì mới quản lý được.

Đến nay, với cơ sở dữ liệu của các bộ ngành đã được hình thành, thực hiện chủ trương chuyển đổi số chính phủ, nên cũng đã liên kết hệ thống dữ liệu với nhau, như cơ sở dữ liệu về dân cư. Thực tế, hải quan và quản lý thị trường cũng chia sẻ dữ liệu với nhau, khi mà các đơn vị nhập hàng, nếu là đối tượng nghi vấn thì chúng tôi có tài khoản ở hải quan để truy cập, khi cần có thể kiểm tra thông tin. Trong thực tế, chúng tôi thấy rằng nếu chỉ đi kiểm tra lẻ tẻ từng vụ thì chỉ là phần ngọn nên rất cần dữ liệu chung.

Quyết chặn hàng giả trên mạng - Ảnh 5.

i LV giả chất đống trên vỉa hè quận 1, TP.HCM 

* Đề án có nêu là đặt ra mục tiêu 100% sàn thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, 100% tổ chức cá nhân kinh doanh trên các sàn được tuyên truyền, phổ biến quy định và 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo ông, mục tiêu này có khả thi?

– Thời gian qua nhiều sàn thương mại điện tử đã ký cam kết nhưng vấn đề vẫn là thực hiện, tức ràng buộc trách nhiệm của từng chủ đơn vị kinh doanh trên sàn. Điều này giống như xây một cái chợ và cho thuê, không phải chỉ cho thuê mặt bằng mà không ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa. Thực tế, sàn thương mại điện tử đã không có cơ chế kiểm soát tốt để cá nhân kinh doanh trên sàn có trách nhiệm, có đơn vị bán cả cần sa, bán cả súng, vũ khí…

Vì vậy, phải có ràng buộc trách nhiệm, ký cam kết và đưa ra được những công cụ để kiểm soát, xử lý chặt chẽ hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các sàn thương mại điện tử, đặc biệt các sàn lớn, và những hạ tầng mạng xã hội như Zalo, Facebook có những cam kết cụ thể hơn.

Về hoạt động tuyên truyền, chúng tôi cho rằng đây là công tác rất quan trọng khi nhiều người dân mua hàng hiệu mà giá… lại quá rẻ, sau đó phản ảnh đến cơ quan chức năng vì hàng không đúng. Do đó, cần nâng cao nhận thức với người dân về việc mua sản phẩm chính hãng, hàng có thương hiệu. Chưa kể phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động ưu tiên hàng trong nước có chất lượng, phù hợp túi tiền để ngăn chặn được hàng giả.

* Công tác chống hàng giả có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng, vậy đề án đưa ra những giải pháp nào để phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng?

– Chúng tôi cho rằng công tác phối hợp là hết sức quan trọng. Thực tiễn cho thấy thời gian qua với những diễn biến phức tạp của thị trường thì sự phối hợp ngày càng tốt hơn dù có những nơi, những lúc tính chủ động chưa cao. Nhưng tôi cho rằng quan trọng là các lực lượng phải có thông tin trong tay.

Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên môi trường mạng thì không thể dùng cách thức truyền thống, nên mỗi ngành có chức năng, nhiệm vụ riêng cần có sự phối hợp trong cung cấp thông tin, để nắm bắt sát thực tiễn nhất. Khi thông tin chuẩn, nhanh và hiệu quả rồi thì công tác xử lý và ngăn chặn mới hiệu quả được.

Quyết chặn hàng giả trên mạng - Ảnh 6.

Cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra các điểm buôn bán tại Sài Gòn Square (tháng 11-2022) 

Sẽ mạnh tay xử vi phạm quảng cáo trên mạng

Thông tin tại cuộc hội thảo về quảng cáo trên mạng chiều 30-11, ông Lê Quang Tự Do – cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) – cho hay người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài hiện chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ. Đồng thời, công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vi phạm quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả. Cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật.

Đại diện nhiều đại lý quảng cáo khẳng định nếu không có sự hợp tác của các nền tảng trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.

“Bộ sẽ đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam” – ông Lâm nói.

Cần xử lý bằng biện pháp mạnh

QD_HangGia_HangNhai_8 1(Read-Only)

Hàng nhái các nhãn hiệu cao cấp được bán với giá rẻ trên mạng 

Bà Dư Thị Vân Anh, giám đốc kinh doanh Công ty Idocean (TP.HCM), cho hay những sản phẩm của công ty bán chạy đã bị làm nhái ngay sau đó. “Khi phát hiện, chúng tôi đều làm báo cáo với chủ sàn thương mại điện tử nhưng bao giờ cũng chỉ nhận sự hứa hẹn chứ không thể xử lý triệt để”, bà Vân Anh thất vọng.

Dù có gian hàng chính hãng trên các sàn lớn nhưng việc bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp vẫn rất thấp. Theo bà Vân Anh, cách xử lý của các sàn thương mại điện tử hiện nay cho cảm giác họ chỉ là người theo dõi đường đi của đơn hàng hơn là phản ứng quyết liệt với hàng giả, hàng nhái.

Theo các chuyên gia, với sự phát triển của kênh bán hàng trực tiếp, các sàn thương mại điện tử đang cho thấy quá dễ dãi trong việc xét duyệt người đăng ký bán hàng, ít ràng buộc trách nhiệm giữa người bán hàng với người tiêu dùng cũng như các sàn. Thậm chí sau khi nhận phản ảnh của người mua hàng, một số sàn thương mại điện tử vẫn tiếp tục cho người đó kinh doanh trên nền tảng của mình, rất hiếm trường hợp bị đóng vĩnh viễn.

“Dù phát triển nóng nhưng các sàn thương mại điện tử vẫn cho rằng mình chỉ là trung gian kết nối, còn chất lượng sản phẩm dịch vụ lại thuộc về sự thỏa thuận của người mua và bán. Đây là con đường ngắn nhất để giết chết các doanh nghiệp Việt làm ăn chân chính” – anh Hoàng Chương, một người tiêu dùng từng là nạn nhân của mua hàng kém chất lượng, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Các chuyên gia cũng cho rằng cần có luật nghiêm cho các sàn như phạt tiền, ngừng hoạt động hay có sự chịu trách nhiệm từ sàn chứ không thể phó mặc cho người bán và mua như hiện nay. Ngoài ra, công nghệ sẽ tiếp tục là công cụ tăng tính kiểm soát chất lượng hàng hóa, giúp các nhà kinh doanh ngăn chặn, xử lý kịp thời những đối tượng kinh doanh hàng nhái, hàng giả trên các sàn thương mại điện tử. Cuối cùng là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Singapore xử lý thế nào?

Tại Singapore, bán hàng giả là hành vi phạm pháp và nước này thời gian qua đã bắt nhiều trường hợp bán hàng giả trên mạng. Cụ thể, theo mục 49 của Đạo luật nhãn hiệu thương mại (TMA) của Singapore, bán hàng giả ở nước này là phạm tội hình sự, có thể bị phạt tiền lên tới 10.000 đô la Singapore (khoảng 180 triệu đồng) cho mỗi món hàng giả hoặc phạt tù, hoặc bị phạt tù lẫn tiền. Theo ghi nhận, từng có bảy người bán hàng giả bị bắt.

Theo Đài Channel News Asia, cảnh sát Singapore cho biết họ có quan điểm nghiêm túc đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhắc nhở công chúng rằng việc phân phối và bán hàng giả là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Cảnh sát nước này nhấn mạnh sẽ không ngần ngại có hành động cứng rắn đối với những người trục lợi từ việc gây hại cho các doanh nghiệp hợp pháp và người tiêu dùng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chống hàng giảhàng giảHàng giả trên mạng

Các tin liên quan đến bài viết