Trường hợp giá heo xuống dưới giá thành sản xuất thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi, trong đó có biện pháp hạn chế nhập heo đông lạnh.
Thông tin này được ông Lê Viết Bình, phó chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách tại TP.HCM, cho biết tại diễn đàn Kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 do Tổ diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 1-12.
Ông Bình cho biết vừa qua Thủ tướng rất quan tâm đến các mặt hàng nông sản có khả năng tiêu thụ kém, trong đó có mặt hàng thịt heo.
Qua thông tin từ các cơ quan chức năng của TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương thì giá heo hiện duy trì ở mức 54.000 – 59.000 đồng/kg, theo đơn giá bình ổn của TP.HCM dao động từ 53.000 – 72.000 đồng/kg.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng với tinh thần nếu giá heo xuống dưới giá thành sản xuất thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Công Thương áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi, bao gồm cả hạn chế nhập heo đông lạnh hoặc dự trữ heo vào kho lạnh.
Trước mắt hạn chế nhập heo đông lạnh từ nước ngoài về, còn biện pháp dự trữ heo vào kho lạnh thì chưa cần thiết. Do đó các địa phương khuyến cáo không bán tháo đàn, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Văn Thắng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết Đồng Nai là “thủ phủ” cung cấp heo, gà cho nhiều địa phương, tuy nhiên giá heo hơi tại địa phương hiện đang ở mức thấp, dao động 48.000 – 53.000 đồng/kg.
Trong khi giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang neo ở mức rất cao, đây là điều rất khó cho người chăn nuôi duy trì đàn. Hiện địa phương đang chỉ đạo để cố gắng duy trì đàn heo, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết năm 2022 ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp nên 70-80% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng.
“Tuy hiện nay giá cả không thuận lợi cho người chăn nuôi nhưng theo đánh giá của Hội Chăn nuôi, số lượng dự trữ nguồn cung cuối năm tương đối ổn định. Dự báo nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với những năm trước vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Với tổng đàn heo khoảng 28,6 triệu con, nguồn cung dịp Tết không đáng lo ngại, đối với gia cầm cũng vậy” – ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, vấn đề cần quan tâm hiện nay là cân đối cung cầu ở các địa phương. Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu cao về thực phẩm trong dịp Tết vẫn chưa cân đối và mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20 – 40%.
“Để cung ứng được cho nhu cầu lớn, các địa phương vẫn phải nhập từ các tỉnh vệ tinh, đặt ra vấn đề ảnh hưởng đến quy định đảm bảo vệ sinh thực phẩm” – ông Đạt lưu ý.
Nhu cầu thực phẩm của TP.HCM dịp Tết rất lớn
Ông Phạm Huy Huệ, giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán, TP.HCM có nhu cầu khoảng 370.000 tấn rau củ quả, trong đó thành phố sẽ đáp ứng được khoảng 20%.
Nhu cầu thịt heo khoảng 230.000 con, thành phố mới đáp ứng 8-10% so với nhu cầu. Về thủy sản nhu cầu khoảng 450.000 tấn, khả năng cung ứng khoảng 15%…
Thị trường hoa cây kiểng nhu cầu dự báo không tăng mạnh, qua khảo sát nhu cầu còn ít, giá dự báo sẽ không tăng so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.
Các mặt hàng khác như gạo, gia cầm… thành phố cũng sẽ không đáp ứng được nhiều, chủ yếu từ các tỉnh lân cận đưa về.
Nguồn: tuoitre.vn