Việt Nam vốn là cường quốc về lúa gạo khi đứng thứ 6 thế giới về sản xuất và thứ 3 về xuất khẩu. Sau các cuộc thi trong nước và quốc tế, Việt Nam ngày càng có nhiều loại gạo ngon, cao cấp, tạo tiếng vang trên thị trường quốc tế.
Để trở thành cường quốc xuất khẩu gạo bền vững, nhiều doanh nghiệp gạo Việt đã “trở mình” chuyển sang xu hướng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu.
Nông dân và doanh nghiệp đều vui
Nông dân Trần Văn Quang (ngụ thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) cho biết rất phấn khởi khi gần đây giá gạo Việt Nam xuất khẩu vượt qua Thái Lan. “Không gì vui bằng khi sản xuất lúa trúng mùa, bán được giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng bán được giá cao, có lời, nông dân như tui cũng vui lây. Giá lúa theo đó cũng được thu mua với giá cao hơn”, ông Quang chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng nhìn nhận qua các mùa giải “so tài”, Việt Nam có thêm nhiều loại gạo mới để xuất khẩu, đóng góp cho sự phong phú thể loại gạo thơm ngon. Mới đây, trong cuộc thi “Gạo ngon Việt Nam” năm 2022 đã xướng tên thương phẩm gạo thơm TBR39 của Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED.
Để có gạo ngon, gạo thơm có mặt trên thị trường cũng như xuất khẩu, bắt nguồn trước hết từ giống lúa cũng như canh tác sản xuất. Ông Trần Mạnh Báo, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn THAIBINH SEED, bộc bạch: “Giống lúa TBR39 là giống cảm ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh cao.
Trung bình số hạt lúa đạt trên 200 hạt/bông, năng suất có thể đạt từ 6,5 – 7,5 tấn/ha. Giống này có khả năng thay thế dòng gạo thơm. Tập đoàn đã gửi mẫu gạo thơm TBR39 cho các công ty xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam để mở rộng tiềm năng, đưa thêm loại gạo Việt ngon ra thế giới”.
Tương tự, “cha đẻ” gạo ST25 – ông Hồ Quang Cua cho biết sau khi gạo thơm ST25 đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và các năm tiếp theo lọt vào top 2, 3 và 4 cuộc thi “hoa hậu” gạo danh giá thế giới, gạo Việt Nam đã vươn tầm, được người tiêu dùng thế giới đón nhận, ngay cả những thị trường khó tính nhất như Anh, Nhật Bản hay Úc.
Ông Cua cho biết thêm ngoài đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, doanh nghiệp của ông đã hợp tác với một số doanh nghiệp để xuất khẩu gạo ST24 và ST25 sang một số thị trường.
“Cuộc chơi đưa gạo Việt Nam xuất sang các thị trường “sang” lúc nào cũng đầy cam go. Nhưng tôi vẫn phải làm để khẳng định giá trị, đẳng cấp gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Sắp tới, gạo ST24 và ST25 sẽ được xuất ngoại ra một số thị trường khó tính khác”, ông Cua thông tin.
Còn theo phó giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn của một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua ngành lúa gạo của nhiều địa phương đã có chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng thực hiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến.
“Các hộ trồng lúa đều ứng dụng “một phải, năm giảm”, tức là sử dụng giống lúa phải có xác nhận. Giảm ở đây là giảm bớt lượng giống gieo sạ, phân bón, nước tưới, số lần sử dụng thuốc trừ sâu, thất thoát sau thu hoạch.
Hơn nữa để sản xuất lúa gạo bền vững, các địa phương còn hướng tới việc tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng sản phẩm”, vị này cho hay.
Cần xây dựng thương hiệu gạo quốc gia
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2022 diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7,2 triệu ha như kế hoạch, sản lượng lúa cả năm trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho xuất khẩu đạt khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn. Bộ này cũng dự báo năm nay xuất khẩu gạo sẽ thuận lợi cả năm, kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm nay có khả năng đạt khoảng 3,2 – 3,3 tỉ USD.
Những năm gần đây, chủng loại gạo xuất khẩu của nước ta ngày càng đa dạng, với các mặt hàng gạo xuất khẩu như gạo thơm các loại, gạo cao cấp, gạo nếp…
Ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) – nhìn nhận hiện nay thị trường xuất khẩu gạo khá rộng và đa dạng, cơ cấu thị trường có xu hướng chuyển dịch giảm tỉ trọng thị trường châu Á, chuyển sang các thị trường châu Âu, châu Phi.
“Các doanh nghiệp ở ta bây giờ đều chú ý đến việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc và hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu.
Cho nên yêu cầu đầu tiên là phải phát triển được vùng nguyên liệu, liên kết lại với nhau, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chọn các giống lúa đạt chuẩn, công nghệ xay xát, chế biến phải nâng cấp… tạo một quy trình bài bản. Từ đó mới có dòng gạo xuất khẩu chất lượng, ổn định”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng chỉ ra hiện nay châu Âu và các quốc gia ở Nam Mỹ gặp khó khăn trong nông nghiệp vì hạn hán. Do đó các quốc gia này sẽ dịch chuyển sang mua của Việt Nam và các quốc gia sản xuất gạo.
“Đây là cơ hội thấy rất rõ cho gạo Việt. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu cũng dần chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các loại gạo có giá trị gia tăng cao, giảm tỉ trọng các loại gạo phẩm cấp thấp. Sự chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu là lẽ thường tình, để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở các nước thị trường xuất khẩu”, ông Bình nói thêm.
Tuy nhiên, để xuất khẩu gạo ngày càng bền vững, ông Hồ Quang Cua cho rằng phải xây dựng thương hiệu gạo quốc gia và cần có chiến lược quảng bá, tiếp thị mang tầm cỡ quốc tế. Ngoài ra, theo ông Cua: “Có thương hiệu gạo quốc gia rồi thì cần quản lý chặt, tránh tình trạng gian lận thương mại”.
Còn theo ông Nguyễn Thành Phước – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, những năm gần đây nhờ đẩy mạnh sản xuất các giống lúa chất lượng theo hướng hữu cơ, từ đó chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, được thế giới đón nhận, mua với giá cao.
Tuy nhiên theo ông Phước, cách làm hiện nay còn mang tính “ăn xổi ở thì”, thiếu tính bền vững, do vậy nguy cơ tụt hậu, không theo kịp các nước sản xuất lúa gạo như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ… “Nguyên nhân chúng ta chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lúc thì tập trung mua loại lúa này, lúc thì mua loại khác, nông dân không cách nào chạy theo kịp”, ông Phước nói.
Do đó theo ông Phước, không nên nói nhiều nữa, cũng đừng tranh luận mà hãy bắt tay xây dựng thương hiệu gạo quốc gia ngay.
“Một khi đã có thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp sẽ tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo rất thuận lợi. Trên cơ sở này, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, đặt hàng nông dân trồng và hợp tác tiêu thụ. Chỉ có như thế hạt gạo Việt mới có thể vươn tầm, xuất khẩu bền vững”, ông Phước nói thêm.
Ông Nguyễn Duy Thuận (tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời):
Liên kết với nông dân trồng 210.000ha lúa
Nông dân huyện Phú Tân, An Giang vui mừng vụ thu đông cuối năm 2022 vì trúng mùa – được giá
Trong những năm qua, Việt Nam trở thành điểm đến quen thuộc của các nhà buôn gạo lớn trên thế giới. Nông dân cũng tự thân vận động đi tìm các giống gạo phù hợp.
Các nhà máy cũng thay đổi máy móc phù hợp với yêu cầu của đầu ra quốc tế. Ngoài các lợi thế như trình độ sản xuất lúa chất lượng cao, điều kiện canh tác… Việt Nam ngày càng có nhiều giống lúa gạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế.
Một số giống lúa không chỉ cho chất lượng cao mà còn có năng suất cao và có khả năng trồng quanh năm không phụ thuộc mùa vụ. Điều này giúp Việt Nam trở thành nguồn cung ứng gạo ổn định quanh năm.
Đây là nền tảng vững chắc giúp hạt gạo của Việt Nam được tiêu thụ ở phân khúc cao cấp. Đó chính là lý do gần đây giá gạo Việt cao hơn trước và lượng gạo xuất khẩu luôn ổn định.
Để có nguồn gạo xuất khẩu ổn định, bền vững cũng như căn cứ vào tiêu chuẩn gạo tại thị trường tiêu thụ, Lộc Trời tổ chức sản xuất giống phù hợp. Đơn vị đã liên kết với các hợp tác xã, huấn luyện bà con nông dân quy trình canh tác, xây dựng mã số vùng trồng để có thể truy xuất nguồn gốc.
Hiện Lộc Trời có 210.000ha lúa ở tỉnh Kiên Giang, An Giang… Và hơn 30% lượng lúa gạo (chủ yếu gạo thơm hạt dài) thu hoạch được dành xuất khẩu, phục vụ thị trường châu Âu. Ngoài ra Lộc Trời cũng đã mở rộng sản xuất các nguồn giống gạo hạt tròn (dành cho thị trường cơm shusi của Nhật) và hạt trung (dành cho thị trường Mỹ, Anh).
Nguồn: tuoitre.vn