Với sự góp sức của iPhone 14, Apple lần đầu tiên đứng ngôi á quân thị trường smartphone tại Việt Nam.

Thị phần iPhone tại Việt Nam vào tháng 10/2022 đạt 20,5%, theo số liệu của GfK. Chỉ nhỉnh hơn Oppo chưa tới 1%, Apple lần đầu tiên leo lên vị trí số 2 tại thị trường điện thoại thông minh trong nước.

Thị phần smartphone tại Việt Nam tháng 10/2022.

Sức bật từ iPhone 14

Dòng iPhone mới đóng vai trò quan trọng cho việc gia tăng thị phần Apple. Theo số liệu, iPhone 14 Pro Max chiếm tới 41% trong 10 iPhone bán chạy nhất của Apple tháng đầu tiên của quý 4. Hai chiếc iPhone mới – iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max – đóng góp khoảng 52% trong hàng trăm ngàn smartphone Apple bán ra.

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Đức Tín, Giám đốc phát triển ngành hàng điện thoại Thế Giới Di Động, cho hay iPhone 14 Pro Max hút hàng do có một số thay đổi về ngoại hình – yếu tố được khách hàng Việt chú trọng.

iPhone 14 Pro/Pro Max tạo sức hút nhờ thay đổi trên cụm Dynamic Island và màu sắc mới. 

Sức hút của dòng iPhone 14 kéo dài đến ngày mở bán một tuần sau đó. Lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, gần như tất cả các nhà bán lẻ công nghệ có tên tuổi tại Việt Nam đều giao hàng cho khách ở thời điểm giữa đêm, rạng sáng 14/10.

Khách xếp hàng từ giữa khuya mua iPhone 14 hồi giữa tháng 10. 

Trái với sức hút của dòng iPhone 14 Pro/Pro Max, hai chiếc iPhone 14 và iPhone 14 Plus không được đặt mua nhiều như kỳ vọng. FPT Shop cho hay hơn 2/3 tổng số lượt đăng ký chọn iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max ở thời điểm đăng ký.

“Bít cửa” hàng xách tay

Apple nhảy lên vị trí số 2 thị trường, nhất là giai đoạn này, không làm những người trong ngành bất ngờ.

“Bên cạnh sức hút của iPhone 14, việc nguồn hàng iPhone xách tay bị chặn đứng cũng khiến doanh số chính hãng tăng lên”, quản lý cao cấp một hãng smartphone trong top 5 tại Việt Nam nói với VietNamNet.

Không chỉ thông quan khó khăn, iPhone xách tay cũng khó được hỗ trợ sửa chữa chính hãng tại Việt Nam. Nhiều đối tác bảo hành của Apple đòi hỏi người mua sản phẩm phải trình được hoá đơn mua hàng từ các bên do Apple uỷ quyền mới thực hiện sửa chữa, bảo hành. Điều này càng khiến nhiều người e dè khi mua hàng xách tay.

Nguồn hàng xách tay nói chung và iPhone tiểu ngạch nói riêng đã bị hạn chế từ hai năm trước, tại thời điểm Apple tung ra dòng iPhone 12.

Quan trọng hơn, Nghị định 98/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 15/10/2020 quy định các loại hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định và không làm thủ tục hải quan sẽ bị xử lý. Điều này khiến rất nhiều cửa hàng xách tay giai đoạn đó phải ngừng nhập hàng, một số chuyển sang bán sản phẩm được phân phối chính thức tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, điều tác động trực tiếp đến hành vi mua iPhone chính hãng nằm ở mức giá, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc chuỗi Minh Tuấn Mobile – nói với VietNamNet. Kể từ hai năm trước, giá iPhone chính hãng không đắt hơn so với iPhone xách tay, thậm chí giá bán một số máy còn rẻ hơn hàng nhập tiểu ngạch. Chính sách giá này vẫn được Apple tiếp tục duy trì đến nay.

iPhone tạo sức hút nhờ nhiều tác động về chính sách giá, điều chỉnh thị trường xách tay, thiết kế sản phẩm,… 

Ước tính của Digiworld – một trong các nhà phân phối chính thức sản phẩm Apple tại Việt Nam – cho thấy iPhone xách tay chiếm tới 40% thị trường chung, vào thời điểm 2020. Do đó, khi khách hàng chuyển sang mua iPhone chính hãng, thị phần Apple chắc chắn sẽ gia tăng.

Tim Cook liên tục nhắc thị trường Việt Nam

“Tôi không quá bất ngờ về việc Apple nhảy lên vị trí số 2 bởi theo các báo cáo tài chính gần đây nhất, CEO Apple liên tiếp nhắc đến Việt Nam như một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng ấn tượng bên cạnh Ấn Độ, Brazil và Indonesia”, ông Minh Tuấn nói.

Trong sự kiện ra mắt iPhone 14 tại Mỹ, ông Tim Cook – CEO Apple – cũng nói với VietNamNet: “Tôi nóng lòng muốn đến nước bạn” – câu nói khá quan trọng dù mang nặng tính xã giao.

PV VietNamNet tại sự kiện ra mắt iPhone 14 tại Mỹ hôm 7/9.

Với mức độ tăng trưởng ấn tượng như vậy, Apple có nhiều động thái muốn khai thác thị trường Việt Nam một cách chính thống hơn. Hãng tuyển dụng nhân sự trong nước, làm việc trực tiếp với các đại lý bán lẻ và nhà phân phối. Đặc biệt, hàng loạt cửa hàng chuyên bán sản phẩm của Apple đã được ra mắt trong vòng một năm nay. Một số nhà bán lẻ cũng được cấp chứng nhận đại lý uỷ quyền của Apple (AAR).

Tính tới giữa tháng 10, ShopDunk đã chạm mốc 63 cửa hàng thiết kế theo chuẩn Apple toàn cầu. TopZone có 97 cửa hàng tại các thành phố lớn toàn quốc. F.Studio cũng cải tạo một số cửa hàng để có không gian trưng bày sang trọng hơn cho các sản phẩm của hãng Táo. Đây đều là những cửa hàng mới mở được một năm nay. Song song đó, nhiều cửa hàng AAR của các đối tác cũng được mở khắp Việt Nam.

Từ chuyện đánh giá cao thị trường Việt Nam, Apple đã mở bán các sản phẩm mới tại thị trường này sớm hơn trước. Năm nay, iPhone 14 được bán sớm hơn 1 tuần so với dòng iPhone 13 năm ngoái.

Dù tích cực đầu tư vào đây, song trong khu vực Đông Nam Á, các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia hiện vẫn được xếp trên Việt Nam về mức độ ưu tiên bán hàng sớm. Các nước này hiện mở bán sản phẩm Apple cùng lúc với những thị trường trọng điểm.

iPhone được mở bán tại Việt Nam sớm hơn 1 tuần so với năm ngoái. 

Việt Nam tiến rất nhanh nếu xét về mức độ ưu tiên đầu tư của Apple. Các nước như Thái Lan, Malaysia mất khoảng 5 năm để Apple hoàn thiện các khâu trước khi đưa vào nhóm thị trường trọng điểm. Trong khi đó, Apple chỉ thực sự bước vào Việt Nam 1-2 năm nay.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : appleiPhone 14

Các tin liên quan đến bài viết