Các dự án nhiệt điện do tư nhân đầu tư hiện đều chậm tiến độ, nguyên nhân bởi nhiều vướng mắc kéo dài.

Báo cáo tiến độ các dự án trong quy hoạch điện 7 điều chỉnh vừa được thực hiện bởi Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho thấy: Có 10 dự án trên 100 MW đang triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức dự án độc lập (IPP) với tổng công suất 11.092 MW. Các dự án này đều chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc kéo dài.

Với Dự án Nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang (1×650 MW), theo báo cáo, mặc dù đã đàm phán được khoản vay thương mại từ ngân hàng nước ngoài (Ngân hàng Công thương Trung Quốc – ICBC), nhưng do thay đổi chính sách từ Chính phủ Trung Quốc nên chủ đầu tư chuyển sang thu xếp vay vốn từ các ngân hàng trong nước. Chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục vay vốn thanh toán cho hợp đồng EPC, dự kiến giải ngân khoản vay đầu tiên vào đầu năm 2023.

Nhiều dự án nhiệt điện khát vốn. 

Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu nhà máy chính và công trình phụ trợ, đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục thuê đất đợt hai. Đối với phần diện tích bãi tro xỉ, hành lang tuyến băng tải, Công ty Cổ phần nhiệt điện An Khánh Bắc Giang đang hoàn tất thủ tục để triển khai bồi thường, GPMB trong quý IV năm 2022.

“Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ năm 2017, tuy nhiên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ ký hợp đồng thuê đất đợt hai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang yêu cầu phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Văn bản số 963/TTg-NN mới ký được hợp đồng thuê đất do đã quá thời hạn 3 năm”, báo cáo nêu rõ.

Đối với dự án Thủy điện Hồi Xuân (102 MW), báo cáo cho thấy các hạng mục công trình chính đạt khoảng trên 98% khối lượng. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO đang tích cực triển khai việc thu xếp vốn. Dự kiến, có thể thi công trở lại dự án vào cuối năm 2022, phấn đấu phát điện các tổ máy vào năm 2023.

Với dự án Nhiệt điện Công Thanh (1×600 MW), hiện cơ bản thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và san gạt mặt bằng nhà máy chính đến cao độ thiết kế nhà máy chính, đã xây tường rào nhà máy chính và nhà điều hành của tổng thầu…

Hợp đồng EPC và thu xếp vốn được ký từ tháng 12 năm 2019 giữa Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh với liên danh tổng thầu Trung Quốc là Viện Thiết kế Trung Nam (CSEPCDI) và Tập đoàn Kỹ thuật Điện lực Quảng Đông Trung Quốc (GPEC). Tuy nhiên, do Chính phủ Trung Quốc có chủ trương ngừng cấp vốn đầu tư nước ngoài đối với các dự án nhiệt điện than nên Nhiệt điện Công Thanh đang nghiên cứu phương án chuyển đổi nhiên liệu và công nghệ từ than sang khi sử dụng LNG nhập khẩu, đồng thời tìm đối tác thu xếp vốn để thực hiện dự án.

UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận chuyển đổi dự án Công Thanh sang sử dụng nhiên liệu LNG và thay đổi công suất lên 1.500 MW trong Quy hoạch điện VIII.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : nhiệt điệnQuy Hoạch Điện 7

Các tin liên quan đến bài viết