Bước vào năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Toàn ngành đã và đang vượt khó để nâng cao chất lượng toàn diện.
Những khó khăn và thuận lợi
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, địa hình phức tạp, nhiều xã vùng cao, miền núi, biên giới, bãi ngang. Điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, bình quân thu nhập của nhân dân còn ở mức trung bình cả nước. Cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy, học 2 buổi/ngày và thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thiếu gần 6.000 người. Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022-2023, các môn tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học được dạy từ lớp 3. Các môn âm nhạc, mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT được dạy từ lớp 10.
Do đó, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn ở tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu so với định mức quy định của tỉnh, nhu cầu còn thiếu 85 giáo viên dạy môn tiếng Anh; thiếu 317 giáo viên dạy môn tin học cấp tiểu học; thiếu 60 giáo viên môn âm nhạc, 60 giáo viên môn mỹ thuật cấp THPT.
Việc mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 gặp nhiều khó khăn, vì chỉ có danh mục thiết bị mà không có khung giá thiết bị, dẫn đến tiến độ mua sắm được trang thiết bị dạy học chậm so với yêu cầu.
Bên cạnh những khó khăn nêu trên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, trong những năm qua, quy mô mạng lưới trường lớp học trên địa bàn tỉnh được sắp xếp cơ bản ổn định. Toàn tỉnh có hơn 2.000 trường học các cấp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được phát triển toàn diện; tỉ lệ đạt chuẩn trở lên là 92,5%, trong đó có trình độ trên chuẩn đạt tỉ lệ 31,4%.
Công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học, bậc học được giữ vững. Trong đó, 100% xã, phường, thị trấn của 27 huyện, thị xã, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, là tỉnh thứ 15 của cả nước đạt mức độ 3, mức độ cao nhất hiện nay. Phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2, là tỉnh thứ 12 đạt chuẩn mức độ 2.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 học sinh đoạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; 15 em đoạt huy chương Olympic khu vực và quốc tế. Đây là giai đoạn đạt thành tích rực rỡ nhất của Thanh Hóa trên đấu trường tri thức quốc tế từ trước đến nay.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa có 76 thí sinh tham gia dự thi, kết quả đoạt 58 giải, đạt tỉ lệ 76,32%, xếp thứ 6 toàn quốc.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, điểm trung bình các môn thi đạt 6,347 điểm, xếp thứ 27 toàn quốc, tăng 5 bậc so với năm 2021. Số điểm 10 đạt được của thí sinh thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh là 411, xếp thứ nhất toàn quốc.
Nhiều kiến nghị, đề xuất với bộ, ngành trung ương
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành giáo dục – đào tạo tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp làm tốt nhiệm vụ năm học.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
Đối với khu vực miền núi, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường tiểu học theo mô hình bán trú.
UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp (theo quy định tại thông tư liên tịch số 6/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 và thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017) để các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, đặc biệt là bậc THPT trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sửa đổi thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012, hoặc ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường.
Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đồng bộ các giải pháp khả thi, phù hợp thực tiễn trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là các nội dung liên quan đến mua sắm trang thiết bị, lựa chọn sách giáo khoa, in ấn tài liệu giáo dục địa phương.
Định mức đội ngũ thực hiện Chương trình giáo phổ thông 2018, giải pháp cho giáo viên dạy môn tích hợp, môn tự chọn. Việc lựa chọn môn học tự chọn, kiểm tra đánh giá, chuyển trường khi học sinh học không đồng nhất giữa các trường.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng, để đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên giảng dạy trong nhà trường.
Nguồn: tuoitre.vn