Tại họp báo ngày 20-11, cựu phó thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết liên minh Pakatan Harapan – Muda của ông sẽ lập liên minh để có đa số ghế trong quốc hội, tiến tới thành lập chính phủ mới.
Theo kết quả từ Ủy ban bầu cử Malaysia ngày 20-11, liên minh Pakatan Harapan – Muda của lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim giành được nhiều ghế nhất, 76 ghế. Nhưng con số này không đủ chiếm đa số trong Quốc hội gồm 222 ghế để thành lập chính phủ.
Do đó, Pakatan Harapan – Muda buộc phải thành lập liên minh để có đủ thế đa số cần thiết, theo báo The Star.
“Chúng tôi, Pakatan, công nhận thực tế là không có đảng nào giành được đa số. Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc họp và đàm phán để lập liên minh. Kết quả chúng tôi nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ để thành lập chính phủ theo đa số” – ông Ibrahim nói.
Ông Anwar nói thêm rằng thời điểm này chưa phù hợp để tiết lộ đảng mà Pakatan muốn liên minh là một đảng quốc gia hay khu vực.
“Tôi không hoàn toàn chắc chắn liệu chúng tôi có đủ số ghế cần thiết hay không. Chúng tôi chỉ có thể thông báo khi biết kết quả chắc chắn và được diện kiến với nhà vua”, ông Anwar cho biết.
Cuộc bầu cử ở Malaysia năm nay có nhiều yếu tố bất ngờ. Liên minh Hồi giáo bảo thủ Perikatan Nasional của cựu thủ tướng Muhyiddin Yassin bất ngờ giành được 73 ghế, trong khi liên minh Barisan của đương kim Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob chỉ được 30 ghế. Có tin đồn rằng liên minh Barisan đã tiếp cận với Perikatan để thành lập chính phủ.
Ông Adib Zalkapli, giám đốc của Công ty tư vấn chính trị Bower Group Asia, phân tích: “Điểm mấu chốt của cuộc bầu cử này là liên minh Perikatan đã phá vỡ thành công hệ thống hai đảng chi phối ở Malaysia”. Trong nhiều thập kỷ qua, Barisan và Pakatan luôn là 2 đảng chính ở quốc gia Đông Nam Á này.
Theo báo The Star, tính đến 4h ngày 20-11, liên minh Pakatan – Muda có tổng cộng 76 ghế, liên minh Perikatan có 73, Barisan có 30 ghế, GPS có 22 ghế, GRS có 6 ghế, Warisan có 3 ghế và PBM có 1 ghế.
Cử tri Malaysia đã đi bỏ phiếu với tỉ lệ cao kỷ lục trong ngày 19-11, với hy vọng chấm dứt một loạt bất ổn chính trị dẫn đến việc phải có đến 3 thủ tướng trong thời kỳ kinh tế bất ổn và đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay.
Nguồn: tuoitre.vn