TP Cần Thơ hướng đến sản xuất nông nghiệp chuẩn hóa; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc… cho cây đặc sản địa phương, đặc biệt là sầu riêng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện nay TP này có trên 23.500ha cây ăn trái, với sản lượng đạt gần 170.000 tấn/năm, trong đó có 2.500ha diện tích trồng sầu riêng, chủ yếu là giống sầu riêng hạt lép Ri 6.
Vùng trồng sầu riêng phát triển nhanh tại nhiều quận, huyện như: Phong Ðiền, Thới Lai, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Ðỏ… Trong đó, hướng đến đảm bảo chất lượng, an toàn và thuận lợi kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ, nông dân tại nhiều quận, huyện đã chủ động liên kết thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP… và quan tâm xây dựng mã số vùng trồng.
Ðến nay, tại các quận, huyện: Ô Môn, Phong Ðiền và Thới Lai đã thành lập được 8 hợp tác xã và tổ hợp tác trồng sầu riêng, với 154 hộ dân tham gia, tổng diện tích hơn 117ha, sản lượng hơn 2.850 tấn/năm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay Cần Thơ đã cấp 46 mã số cho 37 vùng trồng, với tổng diện tích hơn 600ha và 7 mã số cho 5 cơ sở đóng gói để phục vụ các thị trường xuất khẩu đi Mỹ, Úc, Trung Quốc…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của vùng trồng tại Cần Thơ. Các nhà chuyên môn đề nghị song song với việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, cần thiết phải đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, kết hợp với truy xuất nguồn gốc cho nông sản.
Tại vùng trồng sầu riêng lớn của TP Cần Thơ là huyện Phong Điền, mới đây đã có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã sầu riêng Tân Thới 1, huyện Phong Ðiền. Công ty này còn tham gia hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân xây dựng mã số vùng trồng, thực hiện sản xuất sầu riêng đạt các tiêu chuẩn, chất lượng để phát triển xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn.
Theo lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, hiện nay, yêu cầu về mã số vùng trồng của nông sản xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết, bắt buộc đối với những thị trường xuất khẩu khó tính. Trong đó có một số thị trường xuất khẩu trái cây truyền thống như thị trường Trung Quốc, nay cũng đã đặt ra yêu cầu này. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, giúp nông dân thực hiện trồng cây đặc sản theo hướng bền vững.
Nguồn: tuoitre.vn