Nhiều chuyên gia giáo dục quốc tế cho rằng phương pháp học và dạy tiếng Anh ghi nhận những thay đổi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, trong đó một số phương pháp giảng dạy truyền thống đã không còn phù hợp.
Ngày 17-11, Trung tâm đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) khai mạc hội thảo quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh lần thứ 13 với chủ đề “Những đột phá trong giảng dạy tiếng Anh sau đại dịch”.
Tại đây, giáo sư Rod Ellis – chuyên gia về giáo dục học từ Đại học Curtin (Úc) – cho biết theo nghiên cứu của ông được thực hiện trước và sau dịch COVID-19, hình thức dạy học tiếng Anh bằng những hoạt động khuôn mẫu đã không còn thật sự hiệu quả.
Giáo sư Rod Ellis lấy ví dụ trong nhiều tiết học, học sinh được giáo viên yêu cầu tuần tự đọc lại những đoạn hội thoại tiếng Anh đã có sẵn trên bảng hay trong sách. Theo ông, cách truyền đạt này không chỉ làm học sinh khó nhớ cả về ngữ pháp lẫn từ vựng, mà còn khiến các em không luyện tập được năng lực phản xạ.
Đặc biệt, giáo sư Rod Ellis cho rằng kết quả từ nhiều cuộc khảo sát cho thấy đa phần học sinh được dạy theo hình thức này sẽ không biết cách áp dụng những bài đã học vào những trường hợp giao tiếp tương tự trong đời sống.
Theo ông Rod Ellis, xu hướng của giảng dạy tiếng Anh trên thế giới là thông qua các hoạt động trong lớp học.
Các hoạt động không được quá rập khuôn hay quá tẻ nhạt, thay vào đó cần sự đề cao tính chủ động và khả năng suy nghĩ, tương tác của học sinh. Trong lớp học, nếu đặt học sinh vào các tình huống phải nghe, nói bất ngờ, các bạn sẽ có cơ hội dùng tiếng Anh một cách tự nhiên.
Giáo sư Rhonda Oliver từ Đại học Curtin (Úc) cho rằng sau đại dịch COVID-19, việc dạy và học tiếng Anh nhận được một cú hích rất lớn nhờ vào những công nghệ số. Hiện đã có rất nhiều nền tảng giúp bổ trợ việc học tiếng Anh của học sinh.
Do vậy, theo giáo sư Rhonda Oliver, giáo viên không nên chỉ xem công nghệ là một thứ cần thiết mà là một yếu tố bắt buộc phải áp dụng trong những tiết dạy để nâng cao khả năng tiếp thu cho người học.
Áp dụng ở mức độ nào sẽ tùy thuộc vào từng bối cảnh, tuy nhiên nếu giáo viên “tuyệt giao” với công nghệ thì học sinh sẽ mất đi hàng loạt cơ hội mới.
Trong khi đó, tiến sĩ Kitty Barnhouse Purgason từ Đại học Biola (Mỹ) cho rằng sau dịch COVID-19, áp lực cho giáo viên toàn cầu nói chung và trong mảng dạng tiếng Anh nói riêng ngày càng lớn.
Áp lực ngoài do những thay đổi về kinh tế, xã hội, thói quen sau dịch mà còn từ những đòi hỏi liên tục phải đổi mới chương trình, ứng dụng những công nghệ mới.
Do vậy, tiến sĩ Purgason cho rằng giáo viên nên học cách cân bằng khi làm nghề và trong từng tiết dạy. Một số yếu tố quan trọng được tiến sĩ Purgason mà giáo viên tiếng Anh nên chú trọng khi dạy là cân bằng giữa trách nhiệm của người dạy và sự chủ động của người học.
Hội thảo quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh lần thứ 13 do SEAMEO RETRAC tổ chức thu hút hơn 150 giáo viên, chuyên gia giáo dục từ các quốc gia trên thế giới đến tham dự.
Nhiều đề tài mang tính thời sự đã được thảo luận bao gồm phương pháp và kinh nghiệm dạy ngoại ngữ, kiểm tra đánh giá ngôn ngữ, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh là một phương tiện giảng dạy các môn khoa học…
Nguồn: tuoitre.vn