Tháng 11, dường như mọi con mắt đều hướng về Đông Nam Á. Tuần trước, Campuchia tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á.

Đông Nam Á - trung tâm hòa giải siêu cường - Ảnh 1.

Đối thoại Toàn cầu ASEAN lần thứ hai có chủ đề “Phục hồi toàn diện sau COVID-19” 

Còn trong tuần này, Indonesia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 khó khăn nhất từ trước đến nay tại Bali. Thái Lan thì sắp tổ chức các cuộc họp APEC với sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế và doanh nghiệp APEC.

Tác động thảm khốc của chiến tranh Nga – Ukraine, cạnh tranh Mỹ – Trung đang diễn ra, suy thoái kinh tế cùng những thách thức về an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu đã làm tăng thêm kỳ vọng vào Đông Nam Á trong việc đưa ra các giải pháp khả thi cho những vấn đề này.

Nhưng nó cũng dẫn đến một câu hỏi khác: Liệu các nước Đông Nam Á có thể đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết vấn đề thế giới hay không?

Có nhiều lý lẽ giải thích tại sao Đông Nam Á có thể đóng vai trò trong việc đưa ra các nỗ lực giải quyết khủng hoảng toàn cầu tiến xa hơn.

Đầu tiên, các quốc gia Đông Nam Á phần lớn là các “cường quốc bậc trung” đã thiết lập quan hệ với các chủ thể lớn trên toàn cầu nhưng lại không thiết lập rõ ràng liên minh với bất kỳ siêu cường nào.

Thật vậy, một số quốc gia Đông Nam Á có quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Trung Quốc hoặc Nga. Nhưng trong ba thập niên qua, Đông Nam Á ngày một cảnh giác với sự can thiệp của các cường quốc và có xu hướng sử dụng các kênh ngoại giao lẫn cách tiếp cận tập thể trong cuộc chơi với nước lớn.

Ví dụ, các nước Đông Nam Á đã hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc thông qua các cơ chế ngoại giao – như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN – bên cạnh cơ chế đối tác đối thoại để duy trì mối quan hệ với hai cường quốc.

Thứ hai, ASEAN – tổ chức khu vực lớn nhất ở Đông Nam Á – cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các kênh ngoại giao với các cường quốc.

Hầu hết các cường quốc đều là đối tác đối thoại của ASEAN và tham gia các cuộc họp quan trọng với Đông Nam Á, như Hội nghị cấp cao Đông Á hay Diễn đàn khu vực ASEAN.

Các nước Đông Nam Á đã ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), trong đó thiết lập một cam kết tập thể không theo đuổi chính trị cường quyền.

Điều này có nghĩa Đông Nam Á sử dụng các cơ chế hiện có trong ASEAN và chủ yếu là các cơ chế ngoại giao để giải quyết mọi vấn đề khu vực một cách hòa bình. Vô hình trung, điều đó biến các quốc gia Đông Nam Á trở thành một nhân tố quan trọng trong việc làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa các cường quốc.

Mặc dù vậy, phải nhìn nhận rằng những điểm mạnh này cũng trở thành nguồn gốc điểm yếu của khu vực trong thập niên qua.

Với việc căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang thành sự cạnh tranh giữa các cường quốc và chiến tranh thương mại, nhiều quốc gia Đông Nam Á trở nên dễ bị tổn thương khi khủng hoảng vượt mức.

Để các nước Đông Nam Á có thể làm trung gian hòa giải xung đột giữa các cường quốc, họ cần xem xét những gì họ có thể và không thể làm trên thực tế.

Các quốc gia Đông Nam Á có thể và nên thực hiện nghĩa vụ của mình là tổ chức các cuộc họp khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo các cuộc họp được tổ chức thành công bất kể kết quả ra sao.

Điều đó cũng đồng thời sẽ tăng cường năng lực và định hướng cho ASEAN đối phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu sắp tới.

Và ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Việt Nam. Việt Nam đã được ca ngợi với vai trò chủ tịch ASEAN trong một năm (2020) đầy thách thức khi dịch COVID-19 bùng phát.

Hà Nội cuối cùng đã đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ và đưa ra những sáng kiến lớn để giải quyết các thách thức trong đại dịch.

Việt Nam có thể đảm nhận vai trò đi đầu trong việc đảm bảo cơ chế ASEAN được thực hiện nghiêm túc khi đối phó với các thách thức đương đại, đặc biệt là cuộc chơi với các cường quốc trong tương lai.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : APECđông nam áG20Thái Lan

Các tin liên quan đến bài viết