Ngày 8-11 cả nước Mỹ sôi động bầu cử giữa kỳ. Riêng tại thủ đô Washington D.C, bang Maryland và quận tôi đang sống, vì là thành trì vững chắc của Đảng Dân chủ nên không khí cũng kém náo nhiệt hơn.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Không lạc quan dù đảng nào thắng - Ảnh 1.

Người dân bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại một địa điểm bỏ phiếu ở TP Calhoun, bang Georgia, Mỹ hôm 8-11 

8h sáng 8-11, trời nắng ấm, trên đường đi làm, tôi ghé điểm bỏ phiếu là một trường cấp III gần nhà. Do tới sớm và vì đây không phải một “battle state” (bang chiến trường) nên không khí vắng vẻ. Vừa lái xe vào đã thấy có hai người tiếp đón.

Đậu xe xong, vô trong lại có nhân viên hướng dẫn tới trạm đầu tiên kiểm tra thông tin. Cô nhân viên đưa tôi phiếu giấy gồm bốn trang, tám mặt và dặn “phải tô đậm vào ô mới được tính nhen” rồi chỉ tôi tới quầy gần đó đọc và tô phiếu.

Câu hỏi thứ nhất là bầu thống đốc bang, tiếp đến là quận trưởng rồi ghế nghị sĩ Hạ viện, cảnh sát trưởng của quận. Những trang sau là các câu hỏi về ngân sách, tòa án, vay nợ… Tôi đọc sơ, tô đen phần ủng hộ hay không. Trong vòng năm phút, mọi thứ đã xong.

Tôi cầm phiếu bầu tới trạm thứ ba. Một “election judge” (trọng tài bầu cử) hướng dẫn tôi đưa bốn trang phiếu vào máy đọc kết quả. Sau đó ký vào giấy bầu cử, cảm ơn và tặng tôi một chiếc sticker (tem) có in chữ “I voted – Yo voté” (tiếng Anh lẫn Tây Ban Nha có nghĩa “Tôi đã bầu xong”).

Mọi thứ nhanh gọn trong vòng chưa tới 10 phút. Cậu nhân viên bên ngoài cảm ơn và chúc một ngày tốt lành. Tôi lái xe lên công ty, sẵn kêu nhân viên tranh thủ đi bầu chứ đừng tưởng đảng mình đã “an bài” (thắng hoặc thua) rồi không thèm đi. “Every vote counts”, có nghĩa mỗi phiếu bầu đều được tính. Đó là quyền cơ bản của công dân Mỹ.

Nhưng nói gì thì nói, sau hơn 22 năm sống ở Mỹ, nhìn tình hình an ninh, kinh tế và đặc biệt là chính trị trong các năm qua, dù đảng nào thắng cử, tôi cũng không còn mong mỏi về một nước Mỹ hòa bình, yên ổn để mọi người yên tâm làm ăn và cống hiến như nhiều năm trước. Hố sâu phân cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc.

Lạm phát tăng dần lên gần hai con số. Giá cả hàng hóa, tiền thuê nhà, lãi suất tăng phi mã. Và đặc biệt, đất nước ngày càng phân cực và chia rẽ. Các chính trị gia lẫn những người ủng hộ hai đảng ngày một mâu thuẫn cực độ về các chính sách điều hành kinh tế, đối ngoại và cả những phạm trù về đạo đức, sức khỏe như phá thai, quyền của người đồng tính, chuyển giới…

Nếu Đảng Cộng hòa thua tiếp lần này, những câu chuyện về một kỳ bầu cử bị đánh cắp sẽ tiếp tục được đẩy lên cao trào, như cựu tổng thống Donald Trump, các cộng sự của ông và những người ủng hộ vẫn liên tục cáo buộc suốt hai năm qua.

Nếu Đảng Dân chủ thua, những chính sách về kinh tế, nhập cư, vũ khí, súng đạn hay đạo đức có thể bị đảo ngược. Họ sẽ đẩy Tổng thống Biden vào thế “vịt què” trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, dù tổng thống đã thề sẽ dùng uy quyền của mình để phủ quyết tất cả những dự luật lưỡng viện thông qua.

Tôi tin là đồi Capitol – nơi tọa lạc của tòa nhà Quốc hội Mỹ – sẽ tiếp tục dậy sóng cho tới kỳ bầu cử tiếp theo vào năm 2024.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bầu cửMỹ

Các tin liên quan đến bài viết