Bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, trú tại TP Cần Thơ) – người được xem là “trùm” tiêu thụ xăng lậu ở miền Tây – thừa nhận như vậy tại phiên tòa xét xử đại án xăng dầu ở Đồng Nai vào ngày 8-11.
Viện KSND tỉnh Đồng Nai cáo buộc Trung góp vốn thành lập bốn công ty kinh doanh xăng dầu ở khu vực miền Tây và là đầu mối tiêu thụ xăng lậu ở nhiều tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2020, Nguyễn Hữu Tứ (một trong hai “chân rết” chính tiêu thụ xăng dầu của ông “trùm” Phan Thanh Hữu) liên hệ bán xăng cho Trung với giá thấp hơn thị trường.
Sau đó, Tứ sử dụng các tàu của mình và “mượn” tàu của Trung vận chuyển xăng từ cầu cảng nhà yến của Tứ ở Vĩnh Long đến kho Nam Phong ở Long An (do Trung thuê từ năm 2018) để bán cho các đầu mối đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tại phiên tòa, Trung thừa nhận hành vi phạm tội buôn lậu với số lượng xăng như cáo trạng truy tố. Song Trung cho rằng có nhiều tình tiết trong cáo trạng chưa phù hợp, đề nghị hội đồng xét xử xem xét gồm: phạm tội có tổ chức, tiền thu lợi bất chính, chi phí hao hụt, làm giả hóa đơn chứng từ…
Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát công bố bút lục các lời khai của Trung, giải thích các tình tiết Trung chưa hiểu rõ. Vị đại diện viện kiểm sát khẳng định bị cáo Tứ và Trung đã thỏa thuận, sử dụng pháp nhân của Công ty Phúc Thịnh do Trung thành lập nhằm làm giả các hồ sơ chứng từ để đối phó lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.
Bên cạnh đó, Trung chỉ đạo các nhân viên của mình quản lý toàn bộ số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong. Trung sắm sim, điện thoại cài đặt sẵn ứng dụng WhatsApp giao cho ba nhân viên để thuận tiện theo dõi xuất nhập hàng hóa, thu tiền kho.
Ngoài tiền lương theo hợp đồng, Trung trả thêm cho mỗi nhân viên từ 35 – 60 triệu đồng mỗi tháng. Từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Trung giúp Tứ quản lý, mua bán hơn 101 triệu lít xăng nhập lậu với tổng giá trị trên 1.368 tỉ đồng. Với chiết khấu từ 2.000 – 2.300 đồng/lít, Trung thu lợi bất chính hơn 44 tỉ đồng.
Sau khi nghe phân tích của đại diện viện kiểm sát, Trung nói: “Bị cáo biết việc mua hàng không hóa đơn chứng từ là sai phạm, nhưng bị cáo nghĩ thực hiện ở nội địa chỉ là sai phạm hành chính. Khi bị cáo làm việc với cơ quan điều tra mới biết đó là hàng nhập lậu. Vì hám lợi mà bị cáo tiêu thụ hàng nhập lậu, không tìm hiểu rõ nguồn gốc của hàng hóa nên rất ân hận”.
Nguồn: tuoitre.vn