“Bạo lực học đường” đang trở thành vấn nạn nan giải khiến không ít phụ huynh loay hoay tìm cách tháo gỡ. Mặc dù không phải chuyên gia giáo dục hay tâm lý nhưng là người đã từng chứng kiến và tháo gỡ những rắc rối liên quan đến “bạo lực học đường”, chị Hồ Thị Hải Âu có những chia sẻ quý báu gửi đến độc giả.
– Gần đây tình trạng “bạo lực học đường” đang trở thành nỗi lo lắng, hoang mang của không ít học sinh và phụ huynh. Chị có quan tâm đến “bạo lực học đường” không và ý kiến của chị về tình trạng này?
Khi nói đến bạo lực học đường, điều thứ nhất là tôi khẳng định đó là vấn đề không mới. Nó tồn tại từ xưa, cách mà lũ trẻ giải quyết mâu thuẫn thông qua bạo lực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi xem các clip trên mạng, tôi cảm thấy rất lo lắng vì mức độ gia tăng và độ tàn nhẫn của tình trạng này. Tôi rất đau lòng. Tôi cho rằng, đây là lỗi từ người lớn, hoàn toàn do người lớn, từ sự phát triển kinh tế nóng, mạng internet tràn lan hình ảnh, phim ảnh, games bạo… lực được quảng bá, truyền thông dễ dãi, mời gọi. Các kênh truyền hình hàng ngày nhan nhản hình ảnh bạo lực khi người lớn giải quyết mâu thuẫn với nhau… đây là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến tình trạng bạo lực học đường. Tất nhiên, nền tảng của giáo dục, xã hội và gia đình là những thành tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự dạy dỗ trẻ, phải nhận lấy trách nhiệm chính trước vấn đề này, chúng ta không nên đổ lỗi.
Còn với trẻ nhỏ, sự việc diễn ra có thể tàn nhẫn nhưng hoàn toàn manh động và về mặt luật pháp trẻ vị thành niên sẽ không chịu trách nhiệm hình sự dù hậu quả nặng nề đến mức nào đi chăng nữa.
Nhà báo Hồ Thị Hải Âu người được nhiều người gọi là “Bà mẹ Harvard” chia sẻ với báo Tổ Quốc. Ảnh: Cung cấp. |
– Theo chị thì vai trò của gia đình đối với vấn đề “bạo lực học đường” có vị trí như thế nào?
Tôi nhận ra một điều, ở nơi đâu mà cha mẹ không quan tâm lắm đến vấn đề bạo lực học đường, không nhận thức được thực tiễn xảy ra khi đứa trẻ gia nhập vào cộng đồng của chúng, thì việc này trở nên trầm trọng.
Những đứa bị bắt nạt thường là những trẻ không được cha mẹ hướng dẫn để tránh tiếp xúc với bạn những bạn ưa “giao tiếp” bằng bạo lực. Còn những bạn bắt nạt bạn bè thường rơi vào gia đình hoặc là bản thân bố mẹ không làm gương tốt, hoặc bố mẹ bỏ rơi việc nuôi dạy con cái.
Là phụ huynh, ngay từ khi nuôi con còn nhỏ, bằng lý trí tôi đã thấu cảm sâu sắc rằng, ở xã hội nào, dù Việt Nam, hay Mỹ, hay Pháp thì hiện tượng trẻ con bắt nạt nhau là không ngoại lệ; nhưng ở mức độ nào thì lại phụ thuộc vào người lớn: nền giáo dục, tinh thần xã hội và nền tảng giáo dục gia đình.
Hiện nay, ở Việt Nam bố mẹ cần hết sức quan tâm đến vấn đề đáng quan ngại này, và tôi cho rằng tệ nạn chọn trường, chạy trường, chạy lớp cho con nhiều phần biểu hiện sự bất an, lo lắng về sự quản lý lỏng lẻo của ngôi trường, chứ chưa hẳn hoàn toàn là vấn đề chất lượng thầy cô.
– Con chị đã bao giờ gặp phải trường hợp nào liên quan đến “bạo lực học đường” chưa và chị có thể chia sẻ cách giải quyết của chị?
Con gái tôi đã từng gặp rắc rối liên quan đến bạo lực học đường khi học cấp 2. Một ngày bỗng nhiên con tôi bị một bạn gái cùng trường cùng khối dọa đánh vì cho rằng đã mách với nhà trường việc bạn gái ấy mang dao đến lớp, dù con gái tôi không làm chuyện đó.
Thường thì ngày nào tôi cũng hỏi han chuyện học, chuyện bạn bè, chuyện quan hệ cộng đồng của con ở trường ở lớp như thế nào, vì tôi tin rằng, mình càng cởi mở thì càng hiểu môi trường con đang sống như thế nào và càng có cơ hội phát hiện ra là ở đâu đó, hoặc có thể trong ngày tới sẽ có mâu thuẫn, hoặc con sẽ kể về mâu thuẫn nào đó để tôi dẫn dắt con tháo gỡ.
Ví dụ như câu chuyện ở trên, sau khi con về kể với tôi, tôi đã bình tĩnh hướng dẫn con tận tình để giúp con tự giải quyết mâu thuẫn khi mâu thuẫn vừa manh nha. Tôi khuyên con: nếu bạn hiểu nhầm thì con hãy chủ động tìm gặp bạn trực tiếp để nói với bạn tại sao bạn lại biết tôi lên hiệu trưởng để thưa rằng bạn mang dao đến lớp? Tôi nhấn mạnh rằng, con hãy gặp bạn với thái độ cầu thị, ôn hòa, khiêm nhường và cởi mở, để bạn nhận ra sự chân thành của con, để xóa đi mặc cảm của bạn vì con là học sinh lớp chuyên chọn còn bạn là học sinh lớp cá biệt. Tôi nói: chỉ có con mới xóa đi những khác biệt giữa con và bạn Trà (tên bạn gái ấy). Sau khi bạn gái kia bảo có đứa mách, và con tôi đã giải thích rằng: bạn học lớp I, tôi học lớp A và con đường đến lớp của tôi không đi qua lớp bạn làm sao tôi biết điều đó, nên bạn hãy bình tĩnh để tôi nói đã, bạn hãy suy nghĩ về điều tôi nói, rồi sau bạn đánh tôi cũng chưa muộn.
Tôi đã dạy con cách đàm phán, trì hoãn sự việc và cách để thu phục nhân tâm!
Và khi con tôi đã nói với bạn gái kia rằng, bạn chưa bao giờ gặp tôi và tôi cũng chưa bao giờ gặp bạn mà bây giờ bạn lại nghe có người mách tôi nói với hiệu trưởng bạn mang dao thì có điều gì đó có ổn không? Nghe vậy, bạn gái kia bảo sẽ kiểm tra lại và chưa đánh con tôi.
Đêm đấy, tôi không ngủ được và nghĩ, nếu giờ mà tôi lên nói với cô giáo chủ nhiệm, với giám thị hay thậm chí lên thưa với hiệu trưởng (vì tôi là trưởng ban phụ huynh nên điều đó là hoàn toàn đơn giản với tôi) và bảo với nhà trường rằng con tôi đang nguy hiểm thì có thể dừng lại vụ việc này một cách nhanh chóng thậm chí còn trừng phạt bạn gái kia kiểu như tạm nghỉ học hoặc viết kiểm điểm; nhưng tôi tin chắc lối giải quyết đó tiềm ẩn mối hiểm họa: mâu thuẫn giữa hai đứa trẻ vẫn còn nguyên đó nỗi ấm ức, âm ỉ và sẽ bùng phát trở lại ở mức độ trầm trọng hơn vào một ngày nào đó sau đó. Tất nhiên, các bạn dù muốn hay không cũng phải đồng tình với tôi rằng, tôi không thể nào đi hết chỗ này đến chỗ khác để bảo vệ con. Và bản thân con gái tôi sẽ luôn nơm nớp trong sự bất an vì chỉ cần vắng mẹ (trong vai trò người bảo vệ) là gặp rắc rối và thậm chí là gặp nguy hiểm.
Nghe con kể lại, tôi lại bảo với con, ngày mai con hãy chủ động gặp bạn và con nói rằng, bạn đã tìm hiểu kỹ chưa và nếu bạn nói tìm hiểu kỹ rồi thì bạn hãy nói cho tôi xem bạn đã tìm hiểu đến đâu rồi. Con tôi đã thực hiện như vậy và bạn gái kia thừa nhận không có lý do gì để con tôi biết được bạn kia mang dao đến lớp. Bạn ấy còn thú nhận rằng, khi gặp con gái tôi, bạn ấy thấy thoải mái, rằng “cái mặt của cậu không làm tớ thấy ghét gì cả!”
Và lúc đó con tôi đã nói, đấy bạn thấy không, mình dù không biết bạn nhưng mình không bao giờ làm điều gì đó mà chưa suy nghĩ kỹ. Mình cũng không biết bạn có mang dao đến lớp không, nhưng sau sự việc này, bạn sẽ thấy có rất nhiều bạn xấu xúi giục bạn và cách tốt nhất là bạn không mang dao đến lớp nhé. Từ đó con tôi và bạn gái kia chơi với nhau suốt quá trình học cấp 2.
Hãy để trường học là nơi an toàn, thân thiện với học sinh. Ảnh: sogddt.vinhphuc.gov.vn |
– Cái gì cũng có nguyên nhân và gốc rễ của nó. Vậy theo chị thì nguyên nhân gốc của tình trạng “bạo lực học đường” là từ đâu?
Bạo lực học đường diễn ra, xảy ra chính bởi trẻ chưa có kỹ năng chung sống với nhau, chưa biết cách giải quyết mâu thuẫn. Nhưng trách gì trẻ, vì tôi tin rằng, người lớn chúng ta cũng không chủ động hướng dẫn chúng điều quan trọng này.
Đối với lứa tuổi học sinh, các em chưa biết kiểm soát cảm xúc của mình, chưa thể diễn giải sự việc bằng lý trí, do đó thường giải quyết vấn đề mâu thuẫn với nhau thông qua bạo lực, thông thường nhất là bạo lực bằng lời nói như chửi bới, nói xấu, vu khống, cô lập nhau; trầm trọng hơn là đánh nhau, đánh hội đồng, a dua… để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng làm tổn thương tâm lý – thể lý người bị đánh một cách sâu sắc mà nhiều trường hợp dẫn đến hành vi cực đoan là tự tử. Một vấn đề hết sức quan ngại đến nhân cách và phẩm chất của trẻ như vậy, nhưng người lớn chưa có sự quan tâm đúng đắn, thấu tình đạt lý trong triết lý giáo dục con người nói chung. Đây là nguyên nhân gốc rễ để khiến cho tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến, và mức độ ngày càng trở nên tàn bạo, nguy hiểm làm đau lòng các bậc cha mẹ và hoang mang trong xã hội.
Tôi cho rằng, trước hết, trước khi trông chờ vào xã hội và nhà trường, thì cha mẹ phải nhận thức giai đoạn phát triển này của con trẻ để gần gũi con, hướng dẫn ân cần giải pháp để trẻ tự tháo gỡ mẫu thuẫn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên có sự liên hệ chặt chẽ với các phụ huynh khác, với nhà trường để có được thông tin nhiều chiều, nhằm kịp thời hỗ trợ con trẻ giải quyết, tháo gỡ mâu thuẫn thấu tình đạt lý. Tất nhiên, trong một môi trường giáo dục mà tất cả chúng ta đều quan tâm đến trẻ một cách công bằng, ân cần và nỗ lực hơn nữa… một môi trường giáo dục thân thiện chân thành và giảm thiểu những mệnh lệnh cứng nhắc, thì sẽ giúp trẻ học được cách bình tĩnh, có nội lực, biết sống thân ái và học cách giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán, không vội vã đánh nhau.
Bản thân tôi hồi bé cũng từng là “nạn nhân” và chứng kiến một số trường hợp học sinh bắt nạt nhau. Theo quan sát của tôi thì những em học sinh đánh nhau không hẳn là những trẻ hung ác, chúng ngổ ngáo, dễ bị kích động, cả tin và thích được thể hiện. Tuy nhiên, sự xúi bẩy, sự vu khống đặt điều thường mới kinh khủng và là nguyên nhân gây ra những trận bạo lực tàn nhẫn.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Hồ Thị Hải Âu là tác giả cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” liên tiếp tái bản với số lượng hàng vạn bản đã và đang đến tay độc giả. Trước đó, con gái chị – Lã Hồ Minh Khuê là nữ sinh Việt Nam đầu tiên nhận học bổng toàn phần của Đại học Harvard (Mỹ) khiến không ít người khâm phục và coi là tấm gương trong học tập để noi theo
Theo: toquoc.vn