Lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh trong vòng một tuần qua, mức cao nhất hiện lên 11%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này không được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi.
Biểu lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng các lãi suất điều hành thêm 1%/năm từ ngày 25-10.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau khi Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đưa lãi suất huy động lên mức 9,3%/năm, một số ngân hàng khác cũng đẩy lãi suất lên mức cao hơn, từ 10,5 – 11%/năm. Song thực tế, để được hưởng mức lãi suất này là điều không dễ. Thậm chí số tiền lãi thực trả cho khách thấp hơn nhiều so với mức ngân hàng công bố.
Cụ thể, lãi suất 11%/năm đã xuất hiện ở sản phẩm Happy Future của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á ở kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu chứ không áp dụng suốt kỳ hạn gửi, 6 tháng còn lại lãi suất là 5,95%/năm.
Do vậy nếu tính bình quân thì lãi suất nếu gửi theo sản phẩm này thấp hơn mức 11%/năm rất nhiều. Nếu gửi theo chương trình này, khách hàng cũng không được rút trước hạn.
Trong trường hợp gửi 12 tháng thì 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…
Còn Ngân hàng TMCP Quốc dân Việt Nam (NCB) công bố lãi suất lên tới 10,5%/năm cho khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỉ đồng trở lên.
Thông tin rõ hơn với Tuổi Trẻ Online, NCB cho hay mức lãi suất này áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng đối với rút gốc linh hoạt. Đặc biệt, khách hàng phải liên hệ với chi nhánh NCB trước khi mang tiền đến gửi.
Trên thị trường, nhiều ngân hàng cũng niêm yết mức lãi suất huy động cao nhất cho món tiền gửi 500 tỉ đồng áp dụng kỳ hạn 24-36 tháng, thậm chí 60 tháng đối với khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, hiếm có khách hàng cá nhân nào có số tiền gửi lên đến 500 tỉ đồng. Đây chẳng qua là “chiêu” mà ngân hàng tung ra để thu hút khách hàng. Cũng có trường hợp ngân hàng ấn định lãi suất huy động cao và yêu cầu số tiền gửi như trên cho những kỳ hạn mà ngân hàng dùng làm tham chiếu để tính lãi suất cho vay.
Chị K.T.Xuyến (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay chị vừa tất toán và gửi lại khoản tiền tiết kiệm 1,5 tỉ đồng. Thay vì gửi một sổ kỳ hạn 12 tháng như lâu nay thì chị tách ra làm hai sổ với lãi suất 6 và 9 tháng vì kỳ vọng lãi suất vẫn có thể tăng tiếp trong năm sau.
Theo các chuyên gia, hiện nay các ngân hàng đang công bố nhiều chương trình huy động vốn với những quy định khác nhau. Khi tham gia, khách hàng nên tìm hiểu kỹ điều khoản, điều kiện, cũng như mức lãi suất cao đó áp dụng trong bao lâu, những tháng đầu hay suốt quá trình gửi.
Khách hàng nên tìm hiểu kỹ đó là các chương trình huy động tiết kiệm của ngân hàng hay mua trái phiếu.
Hôm qua Ngân hàng VPBank cũng có thư cảnh báo đến khách hàng về việc gần đây có hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn tại ngân hàng hoặc đã đến ngân hàng để gửi tiền nhưng lại “nghe gợi ý, tin vào lời hứa lãi suất cao của một số cá nhân” và chuyển toàn bộ số tiền này sang gửi tại các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi.
“Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại, trong đó có VPBank, đều được pháp luật cho phép nhận tiền gửi, sử dụng tiền gửi để hoạt động, cho vay bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
VPBank khuyến cáo người dân không nên gửi tiền tại các tổ chức không có chức năng nhận tiền gửi theo quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng, rủi ro đối với người gửi tiền” – thông báo của ngân hàng này cho biết.
Nguồn: tuoitre.vn