Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu ấn tượng nhưng vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10 đạt 585,43 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số này, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ vai trò chủ đạo. Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 407,21 tỷ USD, tăng 14,9%; trong khi khối doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 178,23 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang có ưu thế lớn về xuất khẩu điện thoại, máy tính, linh kiện.
Về cán cân thương mại, tính đến ngày 15/10, doanh nghiệp FDI xuất siêu 30,2 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang có ưu thế lớn trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là về lĩnh vực điện thoại, máy tính, linh kiện, máy móc thiết bị cho tới dệt may, da giày cùng nhiều nhóm hàng quan trọng khác.
Với nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, các doanh nghiệp FDI đóng góp tỷ trọng lần lượt là 99,7% và 98,32%.
Tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện đạt 47,7 tỷ USD, tăng thêm 4,2 tỷ USD; xuất khẩu máy tính, linh kiện đạt 43,79 tỷ USD, tăng 5,4 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10 đạt 188,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 65,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến ngày 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 620 tỷ USD, trong đó, xuất siêu gần 8 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI, chiếm hơn 74%, còn doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ thấp.
Nguồn: vietnamnet