Chiều 26/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá và Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với 123 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 21 lượt ý kiến và 2 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật.
Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và dự thảo Luật để gửi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã nêu rõ một số điểm mới của dự thảo Luật lần này so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2022).
Một là, phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Hai là, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng: sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo; tư vấn trong phòng, chống bạo lực gia đình; hòa giải trong phòng, ngừa bạo lực gia đình; xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình; sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình.
Ba là, sửa đổi, bổ sung các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn: bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình; bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án; bổ sung các quy định về: giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc, biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; bảo vệ thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác; bồi thường thiệt hại.
Bốn là, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình: bổ sung trách nhiệm báo cáo định kỳ của Chính phủ, bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Công an cấp xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình.
Sau Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Theo Vtv.vn