Những ngày qua, một số cây xăng tại TP.HCM lại treo biển “hết xăng, còn dầu” hoặc vẫn mở cửa nhưng không bán xăng, thậm chí còn xua tay khi nhiều người vào đổ xăng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ cho biết mức chiết khấu vẫn còn quá thấp, chỉ ở mức 200 – 300 đồng/lít nên DN vẫn còn khó khăn, một số hệ thống bán lẻ vẫn chưa được cấp đủ hàng.
Khoảng 30 cây xăng “hết xăng”!
Sáng 19-10, theo ghi nhận của chúng tôi, cây xăng dầu Z11 nằm trên quốc lộ 1 đoạn qua quận 12 (TP.HCM) treo biển “hết xăng”. Sáu trụ bơm vẫn sáng đèn nhưng cây xăng Z11 chỉ bán dầu, nhân viên lắc tay báo hiệu hết xăng khi những khách hàng đi xe máy có nhu cầu đổ xăng.
Tại cửa hàng xăng dầu Vĩ Phong (số 150 quốc lộ 1), dù không để biển hết xăng và cửa hàng luôn có 3-4 nhân viên túc trực nhưng thường xuyên lắc tay báo hết xăng.
Ông Nguyễn Văn Huy, cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Vĩ Phong, cho biết đến sáng nay cửa hàng tạm hết xăng, còn dầu. “Xăng vừa hết, đang đợi xe về nhưng chắc cũng phải trưa, đầu giờ chiều mới có”, ông Huy nói.
Trong khi đó, cây xăng 178 trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) vẫn rào chắn, tạm dừng hoạt động nhiều ngày qua. Tại cây xăng ở số 705 đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), nhân viên cũng xua tay ra hiệu hết xăng khi người dân vào đổ xăng hoặc chỉ khách tới cây xăng khác gần đó.
Nhân viên này cho biết cửa hàng hết xăng, chỉ còn dầu và tình trạng này đã diễn ra vài ngày. Tương tự, cửa hàng xăng dầu Petro Thạnh Lộc trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) cũng treo biển “hết xăng, còn dầu” và nhân viên cho biết sẽ bán lại khi có xăng.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết sở nắm bắt liên tục tình trạng hoạt động các cây xăng và đến ngày 19-10 có khoảng 30 cây xăng hết xăng, đang chờ cấp hàng bổ sung, hiện sở này tiếp tục theo dõi.
Trước đó, vào ngày 14-10, TP có 44 cây xăng thiếu xăng, đang chờ cung cấp bổ sung và cây xăng vẫn mở cửa.
Chỉ được đáp ứng 70% nguồn hàng ?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một DN bán lẻ xăng dầu cho biết do phía DN phân phối chưa cấp hàng đủ 100%, chỉ đáp ứng cao nhất khoảng 70% sản lượng tiêu thụ của hệ thống bán lẻ, nên có những thời điểm hết xăng phải chờ xe bồn cấp hàng bổ sung theo lịch cấp hàng định kỳ.
Theo DN này, chiết khấu vẫn duy trì ở mức rất thấp, chỉ ở mức 200 – 300 đồng/lít, nên DN rất khó khăn về chi phí kinh doanh, mặt bằng, nhân viên… Một DN phân phối xăng dầu lớn ở TP.HCM cũng cho biết dù đã tìm nhiều nguồn hàng nhưng phía DN này cũng chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu cho hệ thống bán lẻ của mình.
Với các cây xăng theo hình thức đại lý mua lại xăng dầu, hệ thống này chỉ cấp hàng theo định mức, đáp ứng một phần nguồn cung trong giai đoạn khó khăn.
Theo Công ty MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), từ ngày 8-10 các tàu chở xăng dầu đã về liên tục, nên theo kế hoạch bán hàng và tiến độ bán hàng bình quân, Saigon Petro đảm bảo cung ứng cho hệ thống đến cuối năm.
Ông Nguyễn Xuân Hùng – phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – cho biết tập đoàn này cũng đã tăng cường nguồn hàng cho TP.HCM, đảm bảo cung ứng cho thị trường đến giữa tháng 11.
Một lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM thừa nhận do ảnh hưởng của biến động từ giá xăng dầu, các thương nhân đầu mối cũng hạn chế cung cấp, bán xăng dầu cho các thương nhân phân phối và giảm chiết khấu nên các thương nhân phân phối gặp khó khăn trong việc tìm nguồn hàng, khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Chưa hết, do giảm chiết khấu nên các thương nhân phân phối cũng không chủ động nhập hàng nên có thời điểm thiếu nguồn hàng cung cấp cho hệ thống phân phối.
“Ngoài ra, một số DN kinh doanh xăng dầu có xu hướng thu hẹp về sản lượng cung ứng, quy mô kinh doanh và chưa có được các giải pháp tối ưu cho hoạt động kinh doanh, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trên địa bàn”, vị này nói.
Thủ tục chuyển đơn vị cung ứng rất rườm rà
Trong báo cáo về tình hình cung ứng xăng dầu mới đây, Sở Công Thương TP.HCM cho hay khó khăn nhất là nguồn cung xăng dầu có sự thiếu hụt, dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ, chưa đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, thường xuyên và liên tục; mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ hiện khó để đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng của DN.
Cũng theo cơ quan này, một trong những bất cập trong quy định là cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân phân phối.
Do đó, khi thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối nhập khẩu gặp khó khăn về nguồn hàng, việc chuyển đổi sang đơn vị cung ứng khác gặp nhiều khó khăn bởi quy định rất rườm rà, quá trình thực hiện thủ tục cần nhiều thời gian.
Nguồn: tuoitre.vn