Một nghiên cứu mới nhận thấy rằng thường xuyên nghe tiếng chim hót có thể khiến tâm trạng con người trở nên thư thái, dịu cơn căng thẳng, giảm nguy cơ trầm cảm và có sự kết nối sâu hơn với tự nhiên.

Nghe tiếng chim hót, giảm nguy cơ trầm cảm - Ảnh 1.

Tiếng chim hót từ lâu được coi là một trong những âm thanh khiến con người thấy dễ chịu 

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đức đã tìm hiểu ảnh hưởng của tiếng ồn giao thông đô thị so với tiếng chim hót tự nhiên đối với tâm trạng và nhận thức của con người. Họ đã tìm thấy bằng chứng về tác dụng có lợi của tiếng chim hót đối với tâm trạng căng thẳng, chứng trầm cảm và các triệu chứng hoang tưởng.

Kết quả được công bố trên tạp chí Science Reports. Đây cũng là lần đầu tiên tác động của âm thanh chim hót với sức khỏe con người được chứng minh bằng thực nghiệm.

“Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, vào năm 2050, gần 70% dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố. Cuộc sống chốn đô thị có liên quan đến tình trạng sức khỏe tâm thần nhưng tác động của môi trường đến hạnh phúc và nhận thức của chúng ta thường bị bỏ qua trong nghiên cứu tâm lý học truyền thống”, nhà nghiên cứu Emil Stobbe (Hiệp hội nghiên cứu khoa học Lise Meitner Group) cho biết.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng dành thời gian trong môi trường tự nhiên có các âm thanh như nước và gió, đặc biệt là tiếng chim hót, có thể giúp giảm các triệu chứng căng thẳng hoặc lo lắng và mang lại những lợi ích chung cho sức khỏe.

Nhóm nhà khoa học Đức tập trung nghiên cứu tác động của âm thanh chim hót đến trạng thái tinh thần. 300 người tham gia được cho lắng nghe các bản ghi âm bao gồm: tiếng ồn giao thông đa dạng thấp, tiếng ồn giao thông đa dạng cao, âm thanh tiếng chim hót có độ đa dạng thấp và tiếng chim hót có độ đa dạng trong 6 phút.

Trước và sau khi tiếp xúc với âm thanh, những người tham gia thực hiện một khảo sát đánh giá nhận thức, trầm cảm, lo lắng, và hoang tưởng.

Kết quả cho thấy một người tiếp xúc với tiếng chim hót dù chỉ trong thời gian ngắn cũng làm giảm trạng thái lo lắng và hoang tưởng. Điều này không phụ thuộc vào việc tiếng chim hót đến từ một hay nhiều loài chim khác nhau.

Trong khi đó, tiếp xúc ngắn với tiếng ồn giao thông thường làm trầm trọng thêm trạng thái trầm cảm. Đặc biệt âm thanh càng ồn ào, càng nhiều phương tiện giao thông thì càng làm con người khó chịu hơn.

Điều thú vị là trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu nhận thấy cả tiếng chim hót hay tiếng ồn giao thông đều không có tác động đáng kể đến hiệu suất nhận thức, cụ thể là trí nhớ làm việc. Nó chỉ tác động mạnh đến trạng thái tinh thần.

Theo nhà nghiên cứu Stobbe, kết quả của nghiên cứu này cho thấy ý nghĩa của môi trường ảnh hưởng đến hạnh phúc chúng ta.

Sự hiện diện của tiếng chim hót có thể là một dấu hiệu cho thấy một môi trường tự nhiên còn nguyên vẹn. Nó cũng báo hiệu một không gian an toàn, có giá trị sinh học và không đe dọa cho con người. Điều này có thể giải thích tác dụng hữu ích khi nghe tiếng chim hót chúng ta sẽ kích hoạt những ký ức vui vẻ, liên kết với các trải nghiệm tích cực của bản thân, giảm lo lắng và hoang tưởng.

Những người có mối liên hệ cao hơn với thiên nhiên (chẳng hạn như sống ở vùng nông thôn, làm việc liên quan đến lâm nghiệp, nông nghiệp, làm vườn) có thể được hưởng tác động chữa bệnh do môi trường tự nhiên mang lại nhiều hơn người sống ở đô thị. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục tiếp xúc sớm và tích cực với thiên nhiên.

Âm thanh tự nhiên cũng có thể được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe tinh thần và cả trường học. Những người thường xuyên căng thẳng vì công việc hoặc đang có dầu hiệu trầm cảm cũng có thể thường xuyên nghe tiếng chim dưới dạng ghi âm để làm dịu trạng thái tinh thần lại.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc đi dạo dưới tán cây để nghe các loài chim hót thậm chí có thể có tác động mạnh hơn rất nhiều. Sự tác động lên tất cả các giác quan cùng lúc, bao gồm lắng nghe tiếng chim, tiếng gió, cảm nhận mùi hương từ cỏ cây sẽ mang lại lợi ích tinh thần tốt hơn cả việc nghe âm thanh từ bản ghi âm.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chứng trầm cảmGiao thông đô thịtình trạng sức khỏe

Các tin liên quan đến bài viết