Suốt khoảng thời gian sau này, khi đã trưởng thành, tôi cứ đinh ninh mẹ không cần quà hay bất kỳ sự quan tâm nào, nên dửng dưng lãng quên người phụ nữ quan trọng nhất đời mình.
Nhiều năm trước, cứ đến 20-10 (ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thường được coi là Ngày Phụ nữ Việt Nam), bản thân tôi lại băn khoăn: “Chẳng biết 20-10 này, mẹ tôi cần gì?”.
Nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng là nam giới, tôi rất hiếm khi trò chuyện với mẹ. Thế là sau nhiều lần phân vân, thậm chí hỏi han mẹ, tôi đành tặc lưỡi cho qua. Vì lần nào mẹ cũng bảo mẹ chẳng cần gì cả.
Thậm chí có hôm, thấy tôi chưa mua gì tặng cho bạn gái, mẹ còn chủ động mua hoa hồng về bó lại thật tỉ mỉ. Mẹ thường bảo: “Phải biết trân trọng người phụ nữ ở bên cạnh mình, con nhé. Vì bạn gái con bây giờ hoặc vợ con sau này sẽ phải đảm đương rất nhiều công việc mà người đàn ông như con không thể hiểu hết”.
Bản tính vô tư, quen được mẹ chiều chuộng khiến tôi chỉ tập trung lo cho bạn gái, không mảy may quan tâm đến mẹ mình. Sau này, khi chúng tôi kết hôn, bận rộn với việc chăm sóc gia đình nhỏ, tôi càng không có thời gian quan tâm đến mẹ.
Mãi cho đến khi mẹ tôi đột ngột qua đời vì COVID-19 vào mùa hè năm ngoái. Sự ra đi của mẹ khiến tôi chới với suốt một thời gian dài.
Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tần tảo với đôi quang gánh trên vai, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để nuôi tôi khôn lớn. Đứa trẻ khi ấy là tôi cứ nhìn theo bóng mẹ, bước thấp bước cao giữa khu xóm lao động nghèo, nước mắt thi thoảng lại lăn dài trên má.
Cũng bởi, trước đây, thời còn con gái, mẹ tôi chủ yếu chỉ may vá và làm vài việc bếp núc trong nhà. Nhưng sau khi lấy chồng, thời cuộc thay đổi, cha tôi lên đường nhập ngũ xa, khiến mẹ phải thay cha đảm đương trách nhiệm nuôi con, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Vốn có chút kinh nghiệm làm bánh rế, mẹ tôi thường làm loại bánh này để bán dạo khắp các nẻo đường ở vùng biển Phan Thiết. Sau này nhà tôi dọn vào Sài Gòn sinh sống, mẹ tôi vẫn tiếp tục nghề chiên bánh rế để “bỏ mối” cho những người bán dạo ở khu lao động nghèo quận 8.
Cứ thế, suốt mấy mươi năm ròng rã, nhờ tài chiên bánh rế của mẹ, bản thân tôi đã được nuôi lớn, ăn học và thành đạt như ngày nay.
Ngày tôi kết hôn, trùng hợp đó cũng là ngày 20-10. Thay vì ngồi yên trang điểm, chải chuốt phấn son như những bà mẹ chú rể khác, mẹ tôi lại tất tả ngồi chiên từng chiếc bánh rế vàng giòn để dành đãi họ nhà gái.
Mãi cho đến khi phải đi rước dâu, mẹ tôi mới chịu thay bộ áo dài cũ, gương mặt mộc mạc, đi cưới vợ cho con trai. Nhìn những chiếc bánh rế thơm giòn, mẹ vợ tôi có hỏi: “Chị mua bánh ở đâu mà ngon vậy?”. Mẹ tôi im lặng cúi đầu, chắc cũng vì ái ngại.
Tôi bèn đáp thay mẹ: “Bánh do mẹ con chiên sáng nay. Mẹ con đã bán bánh rế suốt mười mấy năm, nuôi con ăn học đấy ạ”. Chỉ mấy lời mộc mạc ấy mà hai mẹ con tôi rưng rưng xúc động.
Nhưng đó là chuyện của những năm về trước. Còn hiện tại, chỉ mình tôi ngồi đau đáu nỗi nhớ mẹ khôn nguôi. Một ngày đầu tháng 10, khi thu dọn lại những đồ đạc đã cũ của mẹ, tôi phát hiện ra một chiếc hộp gỗ nhỏ, cất sâu dưới đáy tủ.
Khi mở ra, bên trong chỉ toàn những tấm thiệp với nét vẽ con trẻ nguệch ngoạc, những bông hoa nhỏ ép khô… Tôi bất ngờ khi nhận ra nét chữ của chính mình gần hai mươi năm về trước khi nắn nót ghi lời đề tặng: “Nhân ngày 20-10, con tặng mẹ tấm thiệp này. Con yêu mẹ”.
Hóa ra, những món quà nhỏ tôi dành tặng mẹ nhiều năm về trước luôn được mẹ tôi cất giữ cẩn thận. Thế mà, suốt khoảng thời gian sau này, khi đã trưởng thành, tôi cứ đinh ninh mẹ không cần quà hay bất kỳ sự quan tâm nào, nên dửng dưng lãng quên người phụ nữ quan trọng nhất đời mình.
20-10 này, thay vì hỏi: “Mẹ/ Cô/ Chị cần gì?”, hãy tự tay chọn một món quà nhỏ, ít hoa tươi thắm, mang về tặng mẹ, tặng cô, tặng chị, tặng tất cả những người phụ nữ quan trọng nhất xung quanh mình.
Đó không chỉ là món quà mà còn là tất cả tình cảm và sự thấu hiểu mà một người đàn ông chân chính cần thể hiện để bày tỏ sự biết ơn vì biết bao hy sinh, vất vả mà một nửa thế giới còn lại đã dành cho chúng ta.
Nguồn: tuoitre.vn