‘Giải bài toán’ tăng tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ hiện nay khá khó. Có nhiều lý do khiến tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thấp, chưa đạt theo yêu cầu.

Làm sao tăng tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ? - Ảnh 1.

Còn nhiều phụ huynh chưa đồng thuận cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là một trong những lý do khiến tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này tại nhiều địa phương còn thấp 

Vậy làm sao để tăng tỉ lệ này?

Bộ Y tế vẫn chưa phân bổ vắc xin, phụ huynh không đồng thuận

Đã gần hai tháng qua, TP.HCM rơi vào tình trạng không còn vắc xin phù hợp (Moderna và Pfizer) để tiêm phòng COVID-19 và vẫn đang chờ Bộ Y tế phân bổ. Tình trạng này cũng rơi đúng vào những tháng cuối cùng của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của thành phố.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong ngày 9-10, toàn thành phố đã tiêm 48 mũi cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi (9%); còn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thì đã tiêm được 0 mũi (0%). Nhiều điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ tại bệnh viện đã thông báo tạm ngừng trong những ngày qua.

Anh T.N.H.D. (ngụ quận Bình Thạnh) thú nhận vợ chồng anh không đồng ý cho con nhỏ đang học lớp 1 tiêm vắc xin phòng COVID-19. “Tôi thấy không nhất thiết cho con tiêm vì bé đã nhiễm COVID-19 và tình hình dịch bệnh hiện nay cũng đã được kiểm soát”, anh D. nói.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay toàn thành phố đã tiêm được hơn 656.000 mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (đạt 76,5%), còn mũi 2 là hơn 402.000 mũi (đạt 46,3%).

Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết hai tuần vừa qua việc tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi bị gián đoạn do chưa được phân bổ vắc xin.

Tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ độ tuổi này tại quận đang đạt hơn 50%. “Quận mới nhận được thông báo phân bổ vắc xin cho trẻ và sẽ tiếp tục tiến hành tiêm trong thời gian tới”, vị này cho hay.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, hiện nay trẻ đã quay trở lại trường học vì vậy việc tổ chức các điểm tiêm chủng phải linh hoạt, đồng thời thường xuyên vận động phụ huynh cho con đi tiêm đúng thời gian khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Nếu trong trường học có số lượng trẻ đăng ký tiêm chủng khoảng trên 20 cháu, chúng tôi sẽ tổ chức điểm tiêm ngay tại trường học. Trong trường hợp chỉ vài trẻ đăng ký tiêm sẽ được tiêm tại trạm y tế. Các điểm tiêm phải đảm bảo thuận lợi cho gia đình và trẻ tiêm chủng.

Hiện nay, tiêm chủng vắc xin COVID-19 vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện, bởi vậy công tác tuyên truyền là rất cần thiết. Trung tâm y tế kết hợp với nhà trường tuyên truyền về hiệu quả của vắc xin, tránh cho phụ huynh khỏi lo lắng để an tâm cho con đi tiêm phòng.

Ngoài việc phụ huynh đồng thuận chưa cao thì tại miền Bắc đang vào thời điểm giao mùa, nhiều trẻ ốm, sốt cũng là một trở ngại khiến trẻ không đạt điều kiện tiêm chủng.

Tiêm chủng an toàn, đảm bảo sức khỏe là mục tiêu lớn nhất. Vì vậy, nếu trẻ có những triệu chứng sốt, gặp vấn đề không đảm bảo tiêm chủng sẽ không tiêm cho trẻ”, vị này cho hay.

Phải có vắc xin

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho hay cuối tháng 9 sẽ có thêm 600.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 dành cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi về Việt Nam, bao gồm vắc xin Pfizer và Moderna.

Tất cả các lô vắc xin này đều do Liên minh Vắc xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tặng Việt Nam. Tuy nhiên, dù hiện đã qua tháng 10 nhưng thực tế nhiều tỉnh, thành nêu trên vẫn chưa nhận được vắc xin.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 10-10, ông Nguyễn Hoài Nam – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục gián đoạn do Bộ Y tế chưa phân bổ vắc xin.

Còn việc khảo sát danh sách những phụ huynh là nhân viên y tế chưa cho hoặc không đồng thuận cho con em tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động.

Bà Lê Hồng Nga – phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – cho hay trong thời gian chờ Bộ Y tế phân bổ vắc xin COVID-19 cho trẻ, ngành y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19, đồng thời duy trì các điểm tiêm cố định (trung tâm y tế, trạm y tế, trường học) để tiêm cho người trên 18 tuổi, trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.

“Thành phố muốn đẩy mạnh tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ nhưng không có vắc xin thì phải tiêm làm sao! Trong thời gian này, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh”, bà Nga chia sẻ.

Ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho hay vi rút SARS-CoV-2 với biến thể Omicron vẫn được đánh giá là phức tạp.

Qua thời gian, miễn dịch tự nhiên cũng đã giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Thời gian qua, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, trẻ cũng đã được đi học và tham gia các hoạt động xã hội khác do đó trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay. Đặc biệt với nhóm chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền, người béo phì hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch.

“Chúng ta đã thấy rõ nhiều người mắc COVID-19 vẫn tái nhiễm nhiều lần. Vì miễn dịch của COVID-19 không bền vững, thường suy giảm sau 4-6 tháng. Ai cũng có thể tái nhiễm nếu không bổ sung kháng thể bằng cách chủ động tiêm phòng vắc xin COVID-19”, ông Phu nhấn mạnh.

Đã tiêm 16,7 triệu liều cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết tổng số liều vắc xin đã tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên cả nước đến nay là hơn 16,7 triệu liều, trong đó mũi 1 là hơn 8,9 triệu liều (chiếm 89%) và mũi 2 là 6,8 triệu liều (chiếm 62,1%).

Những địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 1 thấp nhất là Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP.HCM (62,4%); Bà Rịa – Vũng Tàu (71%) và Đồng Nai (78%). Còn những địa phương có tỉ lệ mũi 2 thấp nhất là Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP.HCM (34,9%); Bà Rịa – Vũng Tàu (41,1%) và Đồng Nai (43,1%).

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : vắc xinVắc xin cho trẻ

Các tin liên quan đến bài viết