Dù nhiều khó khăn và thách thức đan xen, nhưng việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đã và sẽ đem lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp thách thức. Trước dịch là những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dòng hàng hoá bị đình trệ.
Dịch COVID-19 diễn ra làm cho chuỗi cung ứng đứt gãy do đóng cửa biên giới. Đại dịch đi qua, căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục đưa chi phí vận chuyển tăng vọt. Chưa kể Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid làm tăng thêm rủi ro trong việc cải thiện chuỗi cung ứng, tác động đến lạm phát và hoạch định chính sách.
Đối mặt những thách thức lớn
Theo phân tích của tạp chí Nikkei Nhật Bản, ngày 29-6 vừa qua, hàng tồn kho do 2.349 công ty sản xuất toàn cầu niêm yết nắm giữ đạt mức kỷ lục 1.870 tỉ USD vào cuối tháng 3, tăng 97 tỉ USD so với ba tháng trước đó. Đó là mức cao nhất trong 10 năm hoặc kể từ khi có dữ liệu so sánh.
Vấn đề tồn kho lớn cùng với tiêu thụ chậm có thể khiến các nhà sản xuất ngừng làm việc, ảnh hưởng nghiêm trọng làm suy giảm kinh tế thế giới đang diễn ra.
Chẳng những thế, giá lương thực tăng vọt do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội ở các nước nghèo hơn.
Việc mất giá mạnh của đồng ruble, nhiều công ty Nga không đủ khả năng thanh toán cho hàng hóa gửi trên tàu, bởi vậy các nhà giao nhận sẽ gặp khó khăn với rất nhiều hóa đơn vận chuyển chưa thanh toán.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang dần trở thành điểm thay thế và đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rõ các vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Đầu tiên là vấn đề đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa đáp ứng kỳ vọng.
Doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự tạo được hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa đang ngày càng lớn.
Hoạt động của các cảng biển vẫn còn thực trạng nhiều loại hàng hóa phải bốc dỡ ngoài phao, ngoài luồng do thiếu hạ tầng trong cảng. Nguồn cung cho thuê kho bãi hiện không đủ đáp ứng nhu cầu do diện tích sàn còn ít, chất lượng dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng chỉ ở mức sơ khai.
Thêm vào đó, giá cước vận chuyển cao, chưa có xu hướng giảm là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp.
Đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt ở các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ…
Gần đây, xung đột Nga – Ukraine đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt khiến chi phí xuất, nhập khẩu trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.
Việc chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới khiến chi phí hàng hóa của Việt Nam tăng theo, làm giảm lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Một điểm đáng chú ý nữa là lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước khá giống nhau cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt lao động tay nghề cao.
Tăng cường ứng phó
Trước thực tế này, nếu các doanh nghiệp không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường khả năng ứng phó để giảm thiểu những thiệt hại.
Đối với doanh nghiệp, trước mắt cần chủ động lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô. Tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các FTA để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng, từ đó tăng cường tính liên kết và minh bạch thông tin giữa các thành phần tham gia trong chuỗi nhằm thu thập thông tin, đánh giá rủi ro có thể xảy ra và có kế hoạch ứng phó.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Và trong bối cảnh các địa phương đang khẩn trương đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế thì doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng kịch bản, căn cứ thực tế để có kế hoạch sản xuất linh hoạt, phù hợp.
Dù nhiều khó khăn và thách thức đan xen, nhưng việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đã và sẽ đem lại cơ hội phát triển cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đưa ra các định hướng, giải pháp, chính sách đột phá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên đổi mới công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Việt Nam đã và đang là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, chip điện tử và ôtô. Không những vậy, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất của Mỹ cũng ngày càng quan trọng hơn.
Bằng chứng rất nhiều công ty nổi tiếng của Mỹ đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như Apple, Intel, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G…
Bên cạnh đó, xu hướng đa dạng hóa nguồn sản xuất và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã khiến Việt Nam trở thành địa điểm thay thế tiềm năng. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ như Google, Microsoft, Apple đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn