Bãi biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) đã đông khách trở lại sau mấy năm bị xói lở với tốc độ rất nhanh. Nỗ lực cứu bãi biển của chính quyền và cộng đồng đã bước đầu đem lại tín hiệu tích cực.
Những ngày đầu tháng 10, sau bão Noru, rất đông du khách và người dân địa phương đã tìm về bãi tắm Cửa Đại.
Giữ biển để giữ ngành du lịch
Bà Nguyễn Thị Sương – chủ một nhà hàng dọc biển Cửa Đại – cho biết bà gần như bỏ hẳn việc kinh doanh từ mấy năm trước, nhưng nửa năm nay quán mở lại do thấy bãi tắm Cửa Đại có dấu hiệu phục hồi.
Bãi cát mịn thoai thoải đã hình thành, khu vực bãi tắm công cộng ở đây đã rất khác so với lúc trước. Từ năm 2021 về trước, bờ biển này từng bị xói lở với tốc độ nhanh chưa từng thấy, nhiều resort nhà hàng ven biển bị sóng giật hư hỏng.
Từ đầu 2022 tới nay đã khác. Cát bồi ra biển ngày càng rộng, lượng du khách đã quay trở lại tắm biển và vui chơi. Dịp hè vừa qua, mỗi ngày biển Cửa Đại đón hàng ngàn lượt khách, hàng quán đã mở cửa trở lại. Đơn vị quản lý bãi biển cũng đầu tư trang trí nhiều khoảng không gian, các vật dụng để khách tới ngắm biển và chụp hình.
Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết sau rất nhiều cuộc hội thảo và tham vấn từ các nước có kinh nghiệm chống sạt lở bờ biển, từ 2018 – 2021 chính quyền TP Hội An và tỉnh Quảng Nam cho thực hiện các giải pháp cứu bờ biển. Tuy nhiên, tiền của bỏ ra đều bị sóng xóa sạch sau mỗi mùa mưa bão.
Đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định thực hiện dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển với mức đầu tư gần 300 tỉ đồng. Dự án xây tuyến đê ngầm dài 1.530m kết hợp nạo vét luồng Cửa Đại, nguồn cát từ việc nạo vét này sẽ đổ vào san lấp nuôi bãi nhằm hoàn thổ bãi tắm đã từng tồn tại.
Đã có hơn nửa triệu mét khối cát được bơm vào bãi tắm, hình thành vệt cát chạy dài gần 600m dọc biển Hội An.
Dân xắn tay cùng Nhà nước
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam – đơn vị triển khai dự án, hệ thống đê ngầm tại Hội An được xây bằng bê tông kết hợp rọ đá theo hình thang, cao khoảng 6m, đỉnh đê rộng 5m, thân đê nằm âm dưới mặt nước biển.
Nguyên tắc giải pháp này là tạo hành lang chắn ngầm ngoài biển, sóng lớn không thể “móc” vào đất liền như trước khi xây đê.
Cùng với Nhà nước, rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh và người dân sống dọc biển Cửa Đại, biển An Bàng… suốt hai năm qua đã miệt mài cứu bãi biển bằng các giải pháp như trồng cây tạo đê mềm ngăn xói lở, đắp đê bao cát chắn sóng, chôn các dãy cọc tre dọc bờ biển.
Để chống các đợt xân thực bờ biển UBND phường Cẩm An đã mua cọc tre, thuê máy móc rồi vận động người dân ra bờ biển gia cố thành các tường lũy chắn sóng. Nhiều khách du lịch cũng xắn tay cứu biển.
Những nỗ lực đó tới nay đã thấy hiệu quả. Đê ngầm được làm tới đâu cát được tạo bãi tới đó và giữ lại chứ không bị sóng nuốt trôi như trước nữa.
Phó chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết sau tín hiệu khả quan tại bãi tắm Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục mở rộng dự án hướng lên phía biển An Bàng (từ Hội An ra hướng TP Đà Nẵng).
Cần làm đồng bộ, tránh cắt khúc
GS Nguyễn Thế Hùng – khoa xây dựng công trình thủy lợi Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng – cho rằng việc xây đê ngầm hãm sóng như đang làm ở Cửa Đại là một trong các giải pháp có tính căn cơ được các nước trên thế giới áp dụng để cứu biển.
“Bước đầu chúng ta đã thấy biển Cửa Đại đang hồi phục được dải cát làm bãi tắm, qua cơn bão vừa rồi cát không bị phá như trước đây. Cần theo dõi kỹ và cẩn trọng đưa ra các đánh giá, vấn đề rất cần lúc này là chúng ta phải triển khai đồng bộ, làm đê chắn sóng trên khoảng cách dài chứ không được chắp nối. Vậy mới đem lại hiệu quả như mong muốn” – ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết từ năm tới sẽ có thêm ba dự án khớp nối phần đê ngầm hiện hữu với tổng nguồn vốn hơn 1.500 tỉ đồng, dự án sẽ nối liền mạch từ trước UBND phường Cửa Đại ngược lên bãi tắm An Bàng (khoảng 2km).
Nguồn: tuoitre.vn