Cần làm gì để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả, đúng tinh thần của Bộ Giáo dục – đào tạo và không bị nghĩ là “ban thu tiền”?

Chấn chỉnh ban đại diện cha mẹ học sinh: Quá nhiệt tình với hoạt động tài chính - Ảnh 1.

Hoạt động giáo dục mờ nhạt

Ai có con theo học cả trường công lẫn tư thục đều rất ngán ngẩm mỗi dịp họp phụ huynh đầu năm. Dẫu biết có những khoản thu vô lý nhưng cha mẹ không dám bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ, nếu không muốn khó xử cho con em mình.

Cách đây vài năm, tôi đã vô cùng áy náy vì trót làm con “ngại” với bạn bè. Con gái tôi về nhà khóc tức tưởi vì bị bạn bàn luận chuyện mẹ cháu phản đối hội phụ huynh thu nhiều khoản tiền rất vô lý, từ việc mua tivi hỗ trợ giảng dạy đến việc thay rèm cửa, mua micro cho giáo viên, mua thêm bình lọc nước (dù đã phải đóng tiền nước tinh khiết)…

Tôi cũng chẳng rõ bằng cách nào đó mà bọn trẻ biết được mọi chuyện diễn ra trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, liền bày tỏ thái độ bức xúc với con gái tôi. Câu chuyện của mẹ con tôi hẳn không phải là ngoại lệ trong rất nhiều trường hợp phụ huynh bức xúc vì lệ phí của hội phụ huynh.

Theo tôi, hoạt động của hội phụ huynh (ban đại diện cha mẹ học sinh) chủ yếu là phối hợp với trường thực hiện các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, trong thực tế, việc phối hợp thực hiện các hoạt động giáo dục của hội phụ huynh và trường thông thường rất mờ nhạt và kém hiệu quả.

Ngược lại, hội phụ huynh dường như quá nhiệt tình với các hoạt động tài chính. Điều này có thể nhìn thấy rõ tại các cuộc họp đầu năm.

Thông thường, trình tự cuộc họp diễn ra chóng vánh ở phần đầu, nơi giáo viên báo cáo nhanh, đa số như một cuộc độc thoại mà nội dung chủ yếu xoay quanh chuyện học tập và nhắc nhở nội quy của lớp học. Ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ dành thời gian để các phụ huynh tự làm việc với nhau.

Và đương nhiên trong cuộc làm việc riêng giữa các phụ huynh với nhau thông thường chỉ xoay quanh vấn đề đóng góp tiền. Thông thường, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ đề xuất các khoản thu, rồi tiến hành trao đổi và thống nhất trên tinh thần tự nguyện. Nhưng kỳ thực, chỉ chúng tôi mới biết với nhau “tự nguyện” chỉ là vỏ bọc mà thôi.

Theo quy định, có đến gần bảy khoản ủng hộ mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu. Nhưng tôi nghiệm thấy, cả rất nhiều khoản cấm trong thông tư này đều đang được thu trên tinh thần hợp lý hóa bằng các cụm từ hoa mỹ như “dựa trên tinh thần tự nguyện”, “cốt để phục vụ tốt hơn cho việc học của con em”…

Cứ như thế, hội phụ huynh dần dà thành người hỗ trợ nhiệt tình thu hộ cho nhà trường những khoản bị cấm, thậm chí bị lợi dụng để tư lợi.

Con gái tôi khi về nhà đã khóc tức tưởi vì bị bạn bàn luận chuyện mẹ cháu phản đối hội phụ huynh thu nhiều khoản tiền rất vô lý.

Vai trò rất quan trọng

Sau khi đến Mỹ, tôi nhận ra vai trò quan trọng của hội cha mẹ học sinh. Tại đây, hội phụ huynh là một tổ chức cực kỳ quan trọng giữ vai trò kết nối, góp phần rất lớn cho sự phát triển của nền giáo dục.

Với vai trò kết nối giữa học sinh và gia đình, Hội cha mẹ học sinh (Parent Teacher Association – PTA) đã góp phần hỗ trợ rất nhiều cho các trường hợp học sinh cá biệt hoặc gặp phải những cản trở về tâm lý.

Theo dõi hoạt động của hội một thời gian, cá nhân tôi nhận thấy tất cả vấn đề liên quan lợi ích của học sinh, bao gồm chính sách của trường xoay quanh những vấn đề quan trọng như bạo lực học đường, sức khỏe giới tính, quy trình đánh giá kiểm tra, bài tập về nhà và đồng phục, đều được hội đồng phụ huynh đưa ra thảo luận.

Mặc dù hội phụ huynh cũng gây quỹ, kêu gọi đóng góp nhưng họ vẫn hoạt động độc lập, không liên quan nhiều đến nhà trường. Một số hội phụ huynh khi thu được nguồn quỹ lớn sẽ tổ chức thu thập ý kiến nhằm tư vấn, thậm chí quyết định trong việc đầu tư cho các chương trình đào tạo của trường.

Đương nhiên họ cũng sẽ cử đại diện thực thi quyền giám sát đối với hiệu quả đầu tư của các chương trình đào tạo.

Các cuộc họp giữa PTA với giáo viên và nhà trường cũng là diễn đàn để đối thoại về các vấn đề giáo dục. Bằng vốn kiến thức đa dạng góp nhặt từ nhiều lĩnh vực của các thành viên, hội cha mẹ học sinh sẽ đóng vai trò là người phản biện để đóng góp, chia sẻ sáng kiến nhằm cải cách trường học hoặc tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp cho học sinh.

Nên hoạt động đúng vai trò

Tôi cho rằng thay vì kêu gọi xóa bỏ đi một tổ chức cần thiết, cần đưa hội phụ huynh quay trở lại hoạt động đúng vai trò của nó. Bằng sự nỗ lực từ cả hai phía, hội phụ huynh cũng như nhà trường, các cấp quản lý giáo dục cần chấm dứt tình trạng nhắm mắt làm ngơ trước các khoản thu sai quy định.

Quan trọng hơn hết là ý thức sử dụng tiếng nói và quyền “từ chối ủng hộ” các khoản không hợp lý do ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường đề xuất. Nhưng nhiều bậc cha mẹ đã lặng lẽ từ bỏ quyền chính đáng này.

Một khi chúng ta không sử dụng hết quyền của chính mình thì sẽ là cơ hội cho cá nhân, tổ chức khác lạm quyền.

Trách nhiệm ban giám hiệu rất lớn

– Theo tôi, Bộ Giáo dục – đào tạo không cần sửa đổi thông tư 55 vì nó rất đủ nội dung rồi, có điều có người cố ý làm sai, lách luật, ở đây trách nhiệm lớn nhất là ban giám hiệu nhà trường (Bạn đọc Ricky)

– Không lẽ hội phụ huynh muốn thu gì thu, vậy hiệu trưởng ở đâu? (một bạn đọc)

– Hội trưởng hội phụ huynh học sinh trước khi họp lớp đều họp với hiệu trưởng để nghe phổ biến các khoản thu. (Bạn đọc Trung)

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Hội PHHSlạm thuTiền PHHStiền trường

Các tin liên quan đến bài viết