Tại Hà Nội, bộ phận một cửa ở các phường khi giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu cần sổ hộ khẩu giấy. Vì thế, khi sổ hộ khẩu bị thu hồi đã gây nhiều bất tiện, tốn kém thời gian, công sức của người dân.
Tốn nhiều thời gian, công sức, gây phiền hà
Sau bài viết “Chật vật lên phường xin xác nhận sau khi bị thu sổ hộ khẩu” nhiều bạn đọc VietNamNet chia sẻ đồng cảm khi gặp phải những tình huống tương tự.
Nhiều người dân cho rằng, sau khi sộ hộ khẩu giấy bị thu hồi, họ gặp phải nhiều bất tiện trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Một trong những thủ tục thường xuyên phải sử dụng đến sộ hộ khẩu giấy có thể kể đến như thủ tục liên quan hộ tịch, các giấy tờ liên quan đến mua bán, chuyển nhượng đất đai…
Chị T.L. (quê quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, khi thực hiện làm đăng ký kết hôn hay làm giấy khai sinh, chị được cán bộ yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy để xác minh thông tin. Việc yêu cầu này nảy sinh trong bối cảnh vợ chồng chị L. đã được cấp căn cước công dân gắn chíp theo chủ trương của Bộ Công an.
Bạn đọc tên Hiếu nêu tình huống bất tiện đã gặp phải với VietNamNet: “Tôi ra phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xin xác nhận cư trú, cảnh sát quản lý ở phường hẹn sau 3 ngày làm việc đến nhận giấy. Khi đến, cán bộ nói là cơ sở dữ liệu mạng internet bị lỗi nên lại hẹn cuối tuần. Việc xin giấy quá mệt mỏi, trong khi giấy xác nhận chỉ có giá trị 30 ngày”.
Một người dân ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) buộc phải quay về khi chưa đáp ứng đủ yêu cầu để xác nhận cư trú tại công an phường.
Còn bạn đọc Minh Thu chia sẻ, sau khi bị thu hồi sổ hộ khẩu, gia đình phải cất công đi lại nhiều lần để lên phường Trung Văn (quận Hà Đông, Hà Nội) để xin giấy xác nhận nhập học cho con.
Nhiều bạn đọc bày tỏ lo lắng và cảm thấy “phiền phức” sau khi bị thu sổ hộ khẩu và cho rằng, quy định bỏ hộ khẩu giấy hiện tại vẫn chưa tạo thuận lợi cho người dân. Quá trình này cần thêm thời gian để đồng bộ hệ thống và để người dân làm quen với cách làm mới.
Theo bạn đọc Nguyễn Minh Tuyên: “Khi người dân giao dịch, tại các bộ phận đều yêu cầu có giấy xác nhận cư trú, vừa mất thời gian lại còn mất tiền khi xin giấy xác nhận cư trú. Trên thực tế, giấy này lại chỉ có giá trị trong một tháng, hết thời hạn muốn giao dịch lại phải đi xin lại”.
Một số ý kiến cho rằng, “hiện nay bỏ sổ hộ khẩu không biết tiết kiệm được gì nhưng trước mắt thấy rất phiền khi đi xin xác nhận thông tin”.
Vì sao nhiều thủ tục vẫn cần sổ hộ khẩu giấy?
Chiều 7/10, phóng viên VietNamNet có mặt tại UBND phường thuộc quận Đống Đa (TP Hà Nội) để ghi nhận về việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân.
Tại khu vực một cửa, nữ cán bộ phường trên cho biết, thời gian gần đây bộ phận một cửa tiếp nhận rất nhiều các thủ tục liên quan đến hộ tịch và các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu.
“Các thủ tục như khai sinh, kết hôn, báo tử, thay đổi hộ tịch… đều là những công việc yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Vai trò của sổ hộ khẩu ở đây là để xác định thẩm quyền giải quyết hồ sơ của công dân”, nữ cán bộ trên cho biết.
Nhiều thủ tục hiện nay vẫn cần đến sổ hộ khẩu giấy.
Dẫn chứng cụ thể về thủ tục liên quan đến tình trạng hôn nhân, cán bộ phường cho biết, cần phải có sổ hộ khẩu để biết người này có ở địa chỉ này từ khi nào đến thời điểm nào.
“Hiện nay cổng dịch vụ công có tích hợp về thông tin cư trú nhưng lại chưa thể hiện cụ thể thời gian công dân đó ở trong thời gian nào đến thời gian nào. Có trường hợp xác minh tình trạng hôn nhân còn yêu cầu theo từng giai đoạn nên vai trò của sổ hộ khẩu giấy vẫn rất quan trọng”, cán bộ phường trên cho biết.
Trong trường hợp công dân bị thu sổ hộ khẩu giấy, theo cán bộ một cửa UBND phường cho biết công dân phải làm việc với công an cấp phường để xin giấy xác nhận cư trú. Sau khi có giấy xác nhận cư trú thì từ đó UBND phường sẽ thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.
Theo nguồn tin trên, từ khi thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính khối lượng công việc của cán bộ phường càng tăng lên, một lúc họ phải thực hiện nhiều thao tác hơn.
Nhiều người dân gặp “phiền phức” khi bị thu sổ hộ khẩu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng văn phòng công chứng Hà Đông cho VietNamNet biết, trong trường hợp người dân tham gia chứng thực liên quan đến chuyển nhượng đất đai, hợp đồng kinh doanh vẫn cần đến sổ hộ khẩu giấy nếu chưa có căn cước gắn chíp.
“Trong một số giao dịch đặc thù văn phòng công chứng yêu cầu sổ hộ khẩu. Cụ thể như trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện thông số cũ như số chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu cũ mà trên căn cước gắn chíp chưa thể hiện được thì khách hàng phải bổ sung hồ sơ liên quan”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm.
Chấn chỉnh việc thu sổ hộ khẩu Sáng 10/8, trong phiên chất vấn trả lời về việc thu hộ khẩu giấy, ĐBQH nêu hiện trạng một số địa phương thu ngay sổ hộ khẩu giấy khi hoàn thành mã số định danh nhưng một số đơn vị lại đòi hộ khẩu giấy, như vậy rõ ràng chưa liên thông giữa các cơ quan. Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, Bộ Công an chưa có chủ trương thu hộ khẩu giấy, có thể việc thu là cá biệt, ngành công an không có chủ trương này. Còn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 9/2022, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Bộ đã chấn chỉnh, xử lý trường hợp thu sổ hộ khẩu không đúng quy định, gây phiền hà cho người dân. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1/7/2021, khi Luật Cư trú mới có hiệu lực, Bộ Công an không cấp sổ hộ khẩu mới, không cấp lại sổ hộ khẩu. Những sổ hộ khẩu đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị trên giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú vẫn có giá trị đến hết ngày 31/12/2022. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, sau những phản ánh về việc thu hồi sổ hộ khẩu, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã cho rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định thu hồi sổ hộ khẩu. Từ đó đảm bảo cơ quan công an các cấp thực hiện đúng quy định của Luật Cư trú, chấn chỉnh, xử lý trường hợp thu sổ hộ khẩu không đúng quy định, gây phiền hà cho người dân. |
Nguồn: vietnamnet