Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, chuyển đổi số là việc của người lãnh đạo chứ không phải của các chuyên gia công nghệ.
Người ra đề bài đúng là nền tảng để thành công
Tại thời điểm năm 2019, Việt Nam chưa có bất cứ mô hình trung tâm điều hành thông minh hay nói rộng hơn là đô thị thông minh đã thành công để có thể tham chiếu. Trên thế giới cũng có những mô hình đô thị thông minh, nhưng điều kiện của những nước này rất khác với Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng giám đốc Viettel Solution (VTS) kể rằng, VTS bắt tay xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho Thừa Thiên Huế như một mối lương duyên. Lúc đó, Huế không phải là địa phương có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng lại đột phá trong xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số. Đối với VTS, Huế là địa phương có quy mô vừa đủ để có thể xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số.
“Khi Viettel xây dựng Trung tâm IOC cho Thừa Thiên Huế phải tưởng tượng ra mô hình làm sao để có thể phù hợp với điều kiện của địa phương. Lúc bắt tay làm rất khó khăn, nhưng chúng tôi may mắn gặp lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế là những người có tầm nhìn, máu lửa và hiểu về công nghệ cũng như mong muốn đồng hành với Viettel trong quá trình chuyển đổi số. Đây là yếu tố then chốt để có thể triển khai mô hình chuyển đổi số thành công chứ không phải vấn đề tiền đầu tư hay công nghệ”, ông Nguyễn Ngọc Linh nói.
“Chúng tôi tâm niệm rằng, câu hỏi đúng quan trọng hơn là câu trả lời, bài toán tường minh quan trọng hơn là lời giải. Viettel và Thừa Thiên Huế hợp tác trên tinh thần đó. Huế đã đặt ra những bài toán một cách tường minh để Viettel có lời giải nhanh chóng và phù hợp”.
Chuyển đổi số phải có quyết tâm của người đứng đầu
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, điều kiện cơ bản để Huế triển khai đô thị thông minh thành công là tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm. Thế nhưng, để đạt được kết quả đó là nhờ quyết tâm của người đứng đầu – anh Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ.
“Chúng tôi không phải là người làm công nghệ nhưng chúng tôi dùng công nghệ giải quyết bài toán của địa phương. Tôi yêu cầu tất cả ban ngành phải có tinh thần như vậy. Người ta nói rằng chuyển đổi số là chuyện của mấy ông công nghệ, nhưng chúng tôi suy nghĩ khác, đó là việc của người lãnh đạo chứ không phải chuyên gia công nghệ. Anh Phan Ngọc Thọ đóng góp nhiều vào việc xây dựng Huế trở thành đô thị thông minh. Nếu không có sự quyết tâm của lãnh đạo thì rất khó triển khai”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Ông Bình nói tiếp: “Hiện có 800.000 người cài đặt Huế S, đạt 100,1% người dân dùng smartphone. Có một số người nghĩ Huế có trạng thái riêng biệt nào đó, sau đó hiểu rằng đó là sự phù hợp. Đã qua 3 năm triển khai ứng dụng Huế S đến người dân rất thuận lợi. Nhiều người yêu mến gọi Huế S là Huế Méc. Tức là Huế S đã đưa tiếng nói, phản ánh cả mặt tốt và xấu của người dân lên chính quyền và chính quyền nhanh chóng phản hồi để giải quyết vấn đề nhanh chóng. Chúng tôi đang biến Huế S trở thành nền tảng hiệu quả trong công tác quản lý và phục vụ người dân”
Người dân Huế tin tưởng khi những phản ánh hiện trường về tình hình vi phạm giao thông, môi trường… đều được xử lý mà không có “vùng cấm”. Ông Bình kể rằng, có xe một lãnh đạo tỉnh đỗ sai quy định bị người dân chụp ảnh và phản ánh lên Huế S, sau đó, lái xe vi phạm này phải ngậm ngùi đi nộp phạt.
“Thỉnh thoảng đi trên đường gặp những trường hợp vi phạm giao thông, tôi cũng chụp lại rồi phản ánh lên Huế S để các cơ quan chức năng xử lý. Huế S giờ đóng vai trò hạt nhân trong chuyển đổi số, thể hiện quyết tâm của tỉnh tập trung cơ chế nguồn lực nhằm phát triển ứng dụng tốt nhất. Nếu không có Viettel đồng hành với phương thức “may đo” thì rất khó thành công. Biết đâu đó Huế S sẽ trở thành nền tảng chung quốc gia. Đây là niềm tự hào của người Huế”, ông Bình chia sẻ.
Nhiều người dân đã yêu mến gọi Huế S là Huế Méc vì Huế S đưa tiếng nói, phản ánh cả mặt tốt và xấu của người dân lên chính quyền và chính quyền nhanh chóng phản hồi.
Tạo ra phương pháp luận để giải bài toán chuyển đổi số
Thừa Thiên Huế đã đặt bài toán chuyển đổi số rất đa dạng, đòi hỏi Viettel phải đầu tư nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu và tạo động lực cho mình sáng tạo để hoàn thiện mô hình IOC.
Ông Linh cho rằng, sản phẩm CNTT là sản phẩm không dễ hình dung nên Viettel chỉ có thể xây dựng cho địa phương dùng thử dịch vụ. Quan trọng nhất phải cùng địa phương xây dựng quy trình để đưa vào cuộc sống. Triển khai xong hệ thống chỉ đóng góp 30% kết quả, nhưng làm sao cho người dùng đưa hệ thống vào cuộc sống mới làm nên thành công. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và tự giác làm theo như cơm ăn, nước uống.
Mỗi tỉnh thành sẽ có những điều kiện khác nhau khi triển khai mô hình chuyển đổi số nên không có mô hình áp dụng chung. Thế nhưng, sau khi thành công với Thừa Thiên Huế, VTS có thể đem phương pháp, cách tiếp cận để giải quyết bài toán chuyển đổi số cho các địa phương tiếp theo.
“Chúng tôi cho rằng, chuyển đổi số bắt nguồn từ nơi có nhu cầu, trách nhiệm của nhà công nghệ đi giải quyết bài toán này. Đó chính là cách làm chuyển đổi số thành công ở Huế”, ông Nguyễn Ngọc Linh nhận định.
Nguồn: vietnamnet