Nhiều bệnh viện ở Hà Nội thông tin số bệnh nhi đang có xu hướng tăng mạnh. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trẻ phải nằm ghép 3 người/giường, cao điểm 1 bác sĩ phải đảm nhiệm điều trị cho 30 bệnh nhi.
Chiều 21/9, ngồi ở hành lang bệnh viện, chị Lưu Ngọc Bích (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa tay quạt cho con để xua đi cái nóng. Chị nói: “Phòng đông người quá, cho con ra đây cho thoáng”.
Tuần trước, con chị bị ho và chảy nước mũi nhiều nên gia đình đưa tới phòng khám gần nhà. Bác sĩ kết luận trẻ viêm phế quản và chớm viêm tai giữa. Ba ngày sau, vào 3h sáng, trẻ sốt 39 độ. Ngày tiếp theo, con gái chị Bích vẫn sốt rất cao.
Ngày 17/9, vợ chồng chị đưa con vào Bệnh Nhi Trung ương. Trẻ được kết luận viêm tai giữa, chưa điều trị dứt điểm nên tiếp tục sốt. “Con sốt cao nên có chỉ định chụp X-quang phổi, lấy máu và test Covid-19, cúm. Đến phòng lấy máu rất đông bệnh nhân, chúng tôi chờ cả tiếng mới đến lượt. Sau đó, cả nhà đến phòng chụp X-quang mới đến số thứ tự 84 trong khi đó con tôi số 117”, chị kể.
Có kết quả bạch cầu cao nên trẻ phải nhập viện nhưng sợ bị lây chéo vì quá đông bệnh nhân nên chị Bích xin cấp đơn thuốc về nhà. 22h30 đêm đó, bé sốt đến 41 độ. Bố mẹ vội vàng chuẩn bị cho con vào nhập viện.
3 trẻ phải nằm ghép một giường.
“Bệnh nhân đông, chúng tôi cũng chờ gần 1 tiếng mới vào khám, bác sĩ báo hết giường. Khi gọi sang nhiều bệnh viện tư khác, tôi cũng nhận được thông tin tương tự. Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển con sang Bệnh viện Thanh Nhàn, nằm ghép 3 trẻ/giường. Cả phòng 10 giường chỉ có 2 quạt trần, con nằm truyền nước, nóng quá nên 3h sáng, bố của cháu phải về nhà lấy quạt”, chị kể.
Cũng là bệnh nhân thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương có chỉ định nhập viện nhưng do quá tải nên được chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn là con gái 3 tuổi của chị Đặng Bích Ngọc, 26 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội).
“Con đi học mầm non 2 tháng, ốm đến 4-5 lần. Các lần trước, bác sĩ kê thuốc rồi về nhà điều trị nhưng lần này phải nhập viện do sốt virus”, chị Ngọc nói.
Sau 3 ngày nhập viện, con gái hạ sốt khiến chị Ngọc yên tâm hơn.
Ngày 21/8, chị cho con khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được kê thuốc về nhà. Hai ngày tiếp theo, con gái chị Ngọc liên tục sốt cao, 39 thậm chí 39,5 độ. Trẻ được uống hạ sốt nhưng có lúc uống không hạ, có lúc uống chỉ hạ vài tiếng vì vậy gia đình lại đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chỉ định trẻ nhập viện. Tuy nhiên, bệnh viện bị quá tải bởi vậy chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Thanh Nhàn. Vào đây, trẻ được truyền dịch nên hạ sốt, ngày thứ 3 tại viện, trẻ đã ổn định hơn.
BS Vũ Thị Mai – Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở này tiếp nhận 30 bệnh nhi. Hiện, khoa đang điều trị cho 90-120 trẻ. Lứa tuổi nhập viện chủ yếu từ 0 đến 5 tuổi. Trẻ từ 5-14 tuổi đến viện chủ yếu do sốt xuất huyết.
“So với các năm, số lượng bệnh nhân viêm đường hô hấp tăng nhiều. Các năm trước trẻ nhập viện do bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp tỷ lệ 50-50 nhưng hiện các bệnh đường hô hấp chiếm 2/3 bệnh nhân khoa”, BS Mai cho biết.
Nữ bác sĩ cũng lý giải, do qua 2 năm dịch Covid-19, việc tiêm phòng cho trẻ bị gián đoạn, chậm trễ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình không cho trẻ đi uống vitamin A đúng hẹn… đã góp phần làm hệ miễn dịch của trẻ suy yếu và mắc bệnh, thậm chí tái đi tái lại nhiều lần.
Ảnh
Tình trạng tăng bệnh nhi không chỉ xảy ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn. Đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng xác nhận số bệnh nhi nhập viện đang tăng. Mỗi ngày viện đón khoảng 100 bệnh nhi đến khám. Nguyên nhân do hiện tại trẻ đi học tiếp xúc nhiều, đặc biệt tiếp xúc nguồn lây bệnh dẫn đến tỷ lệ mắc gia tăng.
“Hiện tại chúng tôi vừa đủ số giường cho bệnh nhi. Việc tăng số bệnh nhi khiến các bác sĩ làm việc cường độ vất vả hơn”, đại diện bệnh viện cho biết.
Tương tự, đại diện khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết số bệnh nhi tại viện tăng từ những tháng gần đây, cao hơn 20-30% so với cùng kỳ. Trẻ nhập viện chủ yếu do gặp các các vấn đề sốt virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp… Đại diện khoa đánh giá việc bệnh nhi tăng có phần do thời tiết thay đổi và hiện tại là lúc giao mùa – thời điểm phát triển một số bệnh do vi khuẩn, virus.
“Mặc dù bệnh nhân đông nhưng Khoa Nhi vẫn cố gắng luân chuyển bệnh nhân nhanh, đảm bảo điều trị cho bệnh nhi”, đại diện khoa cho biết.
BS Vũ Thị Mai thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Thanh Nhàn
BS Vũ Thị Mai – Bệnh viện Thanh Nhàn, cho rằng bệnh nhi tăng, quá tải khiến các bác sĩ gặp khó khăn trong điều trị. “Khoa Nhi có 6-7 bác sĩ, mỗi bác sĩ phải đảm nhiệm điều trị 20 trẻ, có ngày 1 bác sĩ điều trị 30 cháu vì vậy việc kiểm soát cũng khó khăn. Chúng tôi trực 24/24 không nghỉ ngơi nhiều, trực xuyên đêm. Có những đêm trực, tiếp nhận 20-30 trẻ đến cấp cứu trong đêm”.
Bác sĩ thông tin thêm, mỗi ngày viện đón khoảng 150 bệnh nhân, nhập viện 20-30 trẻ/ngày. Có những trường hợp chưa đến mức nhập viện, bác sĩ tư vấn cho gia đình cách chăm sóc trẻ tại nhà. Cũng theo BS Hoa, khoảng 1 tháng nay bệnh nhân tăng nhanh vì vậy lãnh đạo bệnh viện đã huy động các phòng khác hỗ trợ khoa nhi trường hợp quá tải. Hiện khoa Nhi của viện đang phải mượn giường và nhân sự của khoa Ngoại tổng hợp 2.
BS Vũ Thị Mai cũng đưa ra khuyến cáo chăm sóc trẻ tại nhà. Theo đó, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh đường hô hấp trên (mũi họng) cho trẻ bởi đây là nơi vi khuẩn, virus xâm nhập đầu tiên. Trẻ cũng cần được tăng cường miễn dịch bằng cách sinh hoạt khoa học như ăn uống đầy đủ, ngủ sớm, cách ly với trẻ có triệu chứng với bệnh truyền nhiễm. Đồng thời phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ.
Nguồn: vietnamnet