Tổng thống Vladimir Putin không bình luận công khai về việc quân Nga rút khỏi một số khu vực đông bắc Ukraine. Song, Moscow được cho đang chịu áp lực phải giành lại thế chủ động trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.
Giới chức Ukraine mới đây tuyên bố, cuộc xung đột với Nga đang ở “giai đoạn bước ngoặt”, khi các lực lượng Kiev tái giành quyền kiểm soát nhiều thị trấn và làng mạc trong các cuộc phản kích nhanh ở miền đông đất nước, đặc biệt tại tỉnh đông bắc Kharkiv.
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cùng dự lễ diễu binh mừng ngày thành lập Hải quân Nga ở Saint Petersburg ngày 31/7/2022.
Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng xác nhận việc rút quân khỏi nhiều địa điểm khắp vùng Kharkiv, nhưng khẳng định động thái nhằm “tái tập hợp lực lượng ở các khu vực Balakleya và Izyum để tăng cường nỗ lực tiến công theo hướng Donetsk, phục vụ mục tiêu cao nhất của chiến dịch quân sự đặc biệt là giải phóng Donbass”.
Theo Reuters, nếu các thông tin tình báo phương Tây và phân tích nguồn mở là chính xác, Moscow có thể chọn một trong số ít các giải pháp hiện có để khắc phục nhanh chóng thế bất lợi.
Ổn định, tái tập hợp, tấn công
Các nhà phân tích quân sự Nga và phương Tây nhất trí rằng, theo quan điểm của Moscow, các lực lượng Nga cần khẩn trương ổn định chiến tuyến, ngăn chặn bước tiến của quân Ukraine, tái tập hợp và nếu có thể, tiến hành phản kích. Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây vẫn còn hoài nghi liệu Nga có đủ lực lượng bộ binh hoặc đủ trang thiết bị hay không, với quân số thương vong và lượng khí tài đã bị bỏ lại hoặc phá hủy trong các cuộc giao tranh vừa qua.
“Các tiểu đoàn tình nguyện đang thiếu sức mạnh và chiến dịch tuyển mộ không mang lại hiệu quả như mong đợi. Tôi nghĩ, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn khi có ít người muốn gia nhập đội ngũ hơn. Nếu muốn bổ sung thêm nhân lực, Moscow cần phải tiến hành một cuộc tổng động viên”, Konrad Muzyka, Giám đốc công ty tư vấn Rochan của Ba Lan nhận xét.
Cho đến nay, những nỗ lực của Nga nhằm tăng quân số có thể triển khai bao gồm thành lập Quân đoàn 3 mới, điều động nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov chỉ huy các lực lượng mới và Tổng thống Putin hồi tháng trước ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang của xứ sở bạch dương.
Ông Putin sẽ cần phải quyết định xem có chấp nhận yêu cầu của những người theo đường lối dân tộc quốc gia về việc phải cách chức hoặc cải tổ giới lãnh đạo hàng đầu quân đội Nga, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, một đồng minh thân cận hay không. Theo Reuters, người đứng đầu Điện Kremlin lâu nay thường không nhượng bộ trước các áp lực phải sa thải cấp dưới ngay lập tức, nhưng đôi khi sẽ đưa ra quyết định như vậy vào một thời điểm sau đó.
Huy động quân dự bị
Việc huy động lực lượng quân dự bị của Nga, với ước tính khoảng 2 triệu người tham gia nghĩa vụ quân sự trong vòng 5 năm qua, là điều có thể làm được nhưng cần nhiều thời gian để đào tạo và triển khai nhân lực. Ngoài ra, Điện Kremlin hôm 13/9 cho biết, nhà chức trách đang không thảo luận về việc huy động quân dự bị trên toàn quốc “lúc này”.
Giải pháp như vậy được tin thu hút sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia, nhưng không phải là lựa chọn được lòng một số nam giới ở các đô thị trung tâm.
Nếu giải pháp được triển khai, Moscow có thể phải điều chỉnh lại thông điệp chính thức về cuộc xung đột ở Ukraine và không mô tả đó như “một chiến dịch quân sự đặc biệt” với các mục tiêu hạn chế nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa nhà chức trách phải từ bỏ chính sách cố gắng đảm bảo rằng, cuộc sống của hầu hết người dân Nga vẫn tiếp diễn như trước khi chiến sự bùng phát ngày 24/2.
Đặt cược vào mùa đông
Hai nguồn thạo tin Nga tường tận việc hoạch định chính sách của Điện Kremlin hé lộ, Moscow đang hy vọng, giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra trong mùa đông này sẽ thuyết phục châu Âu thúc ép Ukraine đi đến một thỏa thuận ngừng bắn, theo các điều kiện của Nga.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu tin, những thắng lợi gần đây trên chiến trường của các lực lượng Kiev đang làm suy yếu một phần thôi thúc của người châu Âu về việc Kiev phải nhượng bộ. Trong khi, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Đức tỏ ra cứng rắn hơn với Moscow trong những tuần gần đây và quyết tâm hơn trong việc giải quyết các vấn đề năng lượng mùa đông.
EU đã cấm nhập khẩu than từ xứ sở bạch dương và thông qua lệnh cấm nhập khẩu một phần dầu thô Nga. Ngược lại, Nga đã cắt giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và cảnh báo rõ ràng rằng họ có thể cấm mọi hoạt động xuất khẩu năng lượng.
Mở rộng các mục tiêu tập kích bằng tên lửa
Sau diễn biến bất lợi ở đông bắc Ukraine, các lực lượng Moscow đã nhắm bắn cơ sở hạ tầng điện của nước láng giềng bằng tên lửa. Điều đó gây ra tình trạng mất điện tạm thời ở Kharkiv và các khu vực Poltava và Sumy lân cận. Các nguồn cung cấp nước và mạng di động cũng bị ảnh hưởng.
Động thái nhận được sự cổ vũ của một số người theo chủ nghĩa dân tộc quốc gia Nga. Họ muốn chứng kiến Moscow sử dụng tên lửa hành trình để làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Ukraine trên cơ sở lâu dài hơn nhưng động thái có thể vấp phải sự phản đối kịch liệt từ quốc tế. Họ cũng kêu gọi Moscow tấn công các “đầu não ra quyết định” ở Kiev và những nơi khác, điều khó có thể đạt được nếu không gây tổn thất diện rộng.
Chấm dứt hoặc hạ cấp thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc
Ông Putin đã than phiền rằng, một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc và các loại thực phẩm khác qua Biển Đen là không công bằng đối với các nước nghèo hơn và Nga.
Lãnh đạo Moscow dự kiến sẽ có cuộc hội đàm trong tuần này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để thảo luận về việc sửa đổi thỏa thuận, vốn mang lại cho Kiev nguồn thu ngân sách cần thiết. Nếu ông Putin muốn gây tổn thất cho Ukraine ngay lập tức, ông có thể đình chỉ hoặc hủy bỏ thỏa thuận hoặc từ chối gia hạn khi thỏa thuận hết hạn vào tháng 11.
Nếu viễn cảnh ấy xảy ra, phương Tây và các nước nghèo hơn ở Châu Phi và Trung Đông nhiều khả năng sẽ buộc tội Nga làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Nhưng ông Putin nhiều khả năng sẽ đổi lỗi cho Ukraine về điều đó.
Ký kết thỏa thuận hòa bình
Điện Kremlin tuyên bố sẽ soạn thảo và gửi cho Kiev các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào khi đến thời điểm. Ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông sẽ sử dụng vũ lực để “giải phóng đất nước”, bao gồm cả bán đảo Crưm đã sáp nhập vào Nga năm 2014.
Khả năng để hai bên đi đến một thỏa thuận hòa bình trong nay mai hiện rất xa vời vì còn quá nhiều bất đồng.
Việc để Kiev giành lại quyền kiểm soát hai vùng ly khai miền đông, tự xưng là Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) mà Nga đã chính thức công nhận độc lập, cũng được tin là điều bất khả thi về mặt chính trị đối với Moscow.
Các lực lượng Moscow cũng khó có khả năng trao trả quyền kiểm soát các khu vực đã thâu tóm được ở miền nam Ukraine (ước tính khoảng 1/3 diện tích), đặc biệt là tỉnh Kherson. Lí do vì Kherson nằm ngay phía bắc Crưm và là nơi tọa lạc của một con kênh cung cấp phần lớn nước cho bán đảo này.
Sử dụng sức mạnh hạt nhân
Các quan chức chính phủ Nga đã nhiều lần bác bỏ nhận định của phương Tây về việc Moscow sẽ dùng các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Song, đây vẫn là nguy cơ khiến Washington và các đồng minh lo lắng.
Ngoài việc gây ra thương vong hàng loạt, một động thái như vậy có thể bắt đầu một vòng xoáy leo thang nguy hiểm và chính thức lôi kéo các nước phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Nga. Đây có lẽ là điều không bên nào mong muốn.
Cựu đại sứ Anh tại Nga Brenton nhận định, Moscow có thể sử dụng sức mạnh hạt nhân khi hứng chịu một thất bại khủng khiếp, “không thể cứu vãn danh dự”. Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu tư lệnh Lục quân Mỹ ở châu Âu nói nguy cơ này luôn tồn tại, nhưng ông tin khó có khả năng xảy ra.
Trong khi, các quan chức Nga lưu ý, Moscow đã công bố học thuyết quân sự rõ ràng rằng, họ sẽ chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với hành động chống lại Nga có sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc để đáp trả một cuộc tấn công đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga.
Nguồn: vietnamnet