Tôi đang ở Scotland khi hay tin Nữ hoàng Elizabeth II băng hà vào chiều 8-9. Tôi cảm thấy khá bất ngờ, bởi mới hai hôm trước Nữ hoàng còn bổ nhiệm bà Liz Truss làm tân thủ tướng của Vương quốc Anh.
Do đang ở Scotland, chúng tôi liền kiểm tra bản đồ xem lâu đài Balmoral ở đâu để có thể mang hoa đến viếng Nữ hoàng. Sau khi biết Anh sẽ tổ chức 10 ngày tưởng niệm Nữ hoàng và người dân có thể đến Edinburgh viếng bà trong 5 ngày đầu tiên, các bạn tôi yên tâm về nhà và chờ hôm sau đi viếng.
Ngay từ sáng sớm 9-9, đã có rất nhiều hoa đặt trước các nhà thờ khắp nước Anh để tưởng nhớ Nữ hoàng.
Nếu chưa từng sống trong lòng nước Anh, bạn sẽ thấy khó hiểu vì sao một đất nước tiên tiến lại duy trì chế độ quân chủ và tự hào về nó. Chúng tôi cũng từng đặt câu hỏi đó, cho đến khi hiểu được vai trò của hoàng gia trong đời sống tinh thần và văn hóa người dân Anh.
Đại lễ bạch kim kỷ niệm 70 năm lên ngôi của Nữ hoàng vào tháng 6 vừa qua là một bữa tiệc văn hóa, âm nhạc đặc sắc trong 10 ngày.
Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên tivi với sự chăm chút kỹ lưỡng gồm các tiết mục thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của Anh qua nhiều thời kỳ. Ngay cả những người dân Anh bình thường nhất, ít quan tâm chính trị và hoàng gia nhất cũng đã về nhà sớm để xem.
Hoàng gia Anh, đại diện là Nữ hoàng, đã nuôi dưỡng niềm tự hào về dân tộc và văn hóa đất nước họ. Đó là điều một nhà lãnh đạo thực sự hay một lãnh đạo tinh thần nên làm, và Nữ hoàng đã hoàn thành xuất sắc vai trò này.
Bà là người bà, người mẹ giàu lòng nhân ái với con cháu, là một phụ nữ lớn tuổi đáng kính trong mắt người dân Vương quốc Anh và các quốc gia khác.
Ở tuổi 96, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng là bổ nhiệm tân thủ tướng, bà thanh thản ra đi. Nữ hoàng sẽ an nghỉ tại lâu đài Windsor, bên cạnh phụ thân và em gái bà. Hài cốt của Hoàng thân Philip, chồng bà, cũng sẽ được chuyển đến và mai táng cạnh bà, để hai người được yên nghỉ trong đoàn tụ.
Chúng tôi đã có mặt tại Anh trong 1 năm rất nhiều sự kiện như đại lễ bạch kim, sự ra đi của Nữ hoàng, Vua Charles III được truyền ngôi, và cả những biến cố bất ngờ như khủng hoảng năng lượng, dịch bệnh, đình công và sự thay đổi thủ tướng.
Sắp tới, chúng tôi sẽ còn tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi khác, sự thay thế hình ảnh Nữ hoàng bằng hình ảnh Vua Charles III trên tiền, tem và các biểu tượng của Vương quốc Anh; đổi quốc ca trở lại thành “God save the King”; đổi một số tên đường và cơ quan có tên Nữ hoàng, cũng như thay mới hộ chiếu Anh thành “Nhân danh Đức vua” thay vì “Nhân danh Nữ hoàng”…
Lịch sử là một dòng chảy và chúng tôi đã may mắn được chứng kiến những khoảnh khắc giao thời trong dòng chảy ấy.
Nguồn: tuoitre.vn