Với phương án một nghỉ Tết âm 7 ngày của Bộ LĐ-TB&XH, công chức, viên chức sẽ được nghỉ năm ngày chính thức và hai ngày nghỉ bù, bắt đầu từ 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão (từ thứ sáu, ngày 20/1/2023 đến hết thứ năm, ngày 26/1/2023).
Phương án hai kéo dài 9 ngày, từ 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão. Kỳ nghỉ gồm năm ngày chính thức, hai ngày nghỉ bù và hai ngày nghỉ hằng tuần (từ thứ bảy 21/1 đến hết chủ nhật tuần sau 29/1/2023).
Sau khi Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án nghỉ Tết nguyên đán 7 ngày và 9 ngày để lấy ý kiến các bộ, ngành, một số cơ quan đã phản hồi về đề xuất của Bộ này. Trong khi Bộ Nội vụ đồng ý với phương án 7 ngày, thì Tổng liên đoàn lao động Việt Nam lại đề xuất phương án nên nghỉ Tết 8 ngày.
Việc lựa chọn phương án cuối cùng sẽ được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ quyết định.
Tuy nhiên, phải nói rằng, việc nghỉ Tết Âm lịch dài hay ngắn ngay phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có việc ngày nghỉ có gần thứ 7 và Chủ nhật hay không, nếu có thì có thể kết hợp nghỉ cho phù hợp. Thứ hai, việc nghỉ dài ngày sẽ tác động thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
Với phương án nghỉ Tết 7 ngày được Bộ LĐTB&XH đưa ra, người lao động sẽ được nghỉ từ ngày 29 Tết thay vì 30 Tết. Ngày đi làm đầu năm vào thứ Sáu (ngày 27/1/2023), sau đó lại nghỉ cuối tuần. Như vậy, nếu chọn phương án nghỉ Tết 9 ngày sẽ phù hợp hơn.
Xét từ mong muốn của người lao động, đa số mong được nghỉ dài vì Tết cổ truyền dân tộc là sự kiện lớn nên muốn có thời gian đoàn tụ bên gia đình, nhất là những người ở xa quê đi làm ăn trở về dịp Tết.
Hơn nữa, khi người lao động được nghỉ thêm một hoặc hai ngày sẽ có thêm thời gian đoàn tụ bên gia đình vui xuân, sau khi trở lại làm việc sẽ có thêm nguồn năm lượng tích cực, thúc đẩy làm việc hiệu quả, năng suất cao hơn.
Trong khi để đảm bảo hoạt động phát triển kinh tế, doanh nghiệp có thể bố trí làm bù một ngày để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội.
Phải nói rằng, trước đây Viện Lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã từng có khảo sát doanh nghiệp về việc có nên nghỉ Tết dài ngày hay không. Kết quả đa số doanh nghiệp không đồng ý với phương án nghỉ Tết 9 ngày. Họ cho rằng nghỉ dài ngày ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, năm nay theo phản ánh của một số doanh nghiệp may mặc, cuối năm nay và đầu năm sau với doanh nghiệp may sẽ thiếu đơn hàng, ít việc do thị trường xuất khẩu đang giảm nhu cầu tiêu dùng vì lạm phát, vì vậy cho người lao động nghỉ Tết 9 ngày là phù hợp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được tâm lý của người Á Đông nên thường giao việc trước, bố trí tăng ca cho người lao động làm để kéo dài thời gian nghỉ Tết. Thậm chí một số doanh nghiệp còn cho lao động nghỉ hết mùng 10 tháng Giêng, bởi với những lao động xa quê nếu không được nghỉ thì họ cũng xin nghỉ phép.
Là người theo dõi hoạt động lao động doanh nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH nhiều năm qua, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ này chia sẻ, trước đây có một số dịp nghỉ Tết quá ngắn, nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ thêm, họ sẽ nghỉ việc kéo dài, dẫn tới tình trạng thiếu lao động sau mỗi dịp Tết ở khu vực phía Nam.
Trong khi, với tình hình thực tế năm nay hoạt động sản xuất không dồn dập như mọi năm. Các đơn hàng nhiều ngành nghề đang giảm, nên việc bố trí nghỉ 9 ngày để người lao động về quê chơi Tết rồi quay lại làm việc là phù hợp.
Cần phải nhắc lại, phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, sau khi đi làm ngày thứ Sáu lại nghỉ hai ngày cuối tuần thì việc cho người lao động nghỉ Tết 9 ngày là phù hợp. Tại nhiều nước, thậm chí nhiều đơn vị trong nước với lịch đi làm chỉ 1-2 ngày lại nghỉ cuối tuần họ sẵn sàng yêu cầu người lao động nghỉ phép, vì có đi làm hiệu quả công việc cũng không cao.
Ngoài ra, phải nói thêm, với tình hình giao thông nước ta hiện nay, những ngày nghỉ lễ việc đi lại thường rất khó khăn, nhất là khi thời gian nghỉ Tết ngắn không còn cách nào khác tất cả đều phải đi lại sát ngày nghỉ, việc này sẽ tạo áp lực lớn lên hạ tầng giao thông. Tắc đường, bến xe nhà ga sân bay quá tải là không tránh khỏi. Đây chính là áp lực lớn gây mệt mỏi với người lao động mỗi kỳ nghỉ lễ Tết.
Trong khi nếu nghỉ 9 ngày với những người làm ăn xa đều có đủ thời gian sắp xếp chủ động ngày nghỉ và ngày trở lại nơi làm việc sớm hoặc muộn một hoặc hai ngày, góp phần giảm tải cho việc đi lại, bớt mệt mỏi sau nghỉ Tết.
Nguồn: vietnamnet