Ngày đầu một năm học, mỗi nhà giáo, học sinh, phụ huynh và nhiều người đều có những mong ước của riêng mình. Cá nhân tôi với tư cách một thầy giáo, một người từng quản lý giáo dục cũng có những mong ước trong năm học mới.
Hôm 5-9, tiếng trống trường khắp mọi miền Tổ quốc đồng loạt ngân vang đón khoảng 1,6 triệu thầy cô giáo và 2,3 triệu học sinh phổ thông các cấp đến trường khai giảng năm học mới 2022-2023.
Đối với học sinh
Nhân vật trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là khách thể của quốc sách giáo dục. Các em vì thế quyết định sự trọn vẹn, suôn sẻ, năng động, đổi mới, hiệu quả trong năm học mới.
“Bắt đầu từ năm học này, và phấn đấu vài năm học tới (không quá 5 năm) giải quyết tốt bài toán lương giáo viên. Cùng với xây dựng trường học, xã hội hóa việc chăm lo để trẻ – ai cũng được đến trường theo nguyện vọng. Từ năm học sau, kiên quyết không để “bốc thăm” đi học!”
TS Nguyễn Hoàng Chương
Kính trọng thầy cô là phẩm cách hàng đầu, được vậy, các em mới tích cực hợp tác với thầy cô trong quá trình dạy học, giáo dục để trui rèn năng lực và phẩm chất gắn với mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông.
Lễ phép với cha mẹ, căn cốt giữ cho gia đình ấm êm, hạnh phúc. Tiền đề quan trọng để học – hành – lập thân – lập nghiệp. Con có ngoan – trò mới giỏi, và, nội hàm học tập giỏi có kính trọng ông bà, lễ phép với cha mẹ, yêu thương người thân.
Thân thiết với bạn bè để chia sẻ và hợp tác trong lớp, ở trường; lúc học, khi chơi; trải nghiệm trong thực tế hay trên mạng xã hội. Sẽ thôi không còn gây gổ, đánh nhau; sẽ vứt bỏ lối sống thực dụng, hẹp hòi; cùng nhau rèn luyện kỹ năng sống – mà hợp tác với bè bạn – là kỹ năng của mọi kỹ năng. Để “Học thầy không tày học bạn”, phải thân thiết với bạn.
Đối với thầy cô giáo
Mẫu mực là đích đến, là hành trình trong mỗi ngày thầy cô đến trường. Khi nghĩ về, nói với nhà giáo, trong tâm thức dân mình, nhà giáo là đức độ, ngay ngắn, khoan dung.
Năng lực là điều kiện cần để thầy cô làm tốt vai trò truyền thụ kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Hơn nữa, người thầy có năng lực mới vững vàng giải quyết tình huống xảy ra trong học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp. Áp lực (tiêu cực) – chắc chắn sẽ vơi đi rất nhiều!
Trách nhiệm với mình, cùng trò; với trường, lớp, tổ (nhóm) chuyên môn; với đoàn thể trong nhà trường. Việc chung của trường, nhìn vẻ ngoài dễ nghĩ… việc không có gì!
Nhưng, đi sâu vào mỗi khâu, từng công đoạn mới cảm nhận hết; có thời điểm ở trường “núi” báo cáo, lên kế hoạch, thực hiện, kiểm tra. Cộng đồng trách nhiệm, mọi việc trôi chảy, nội bộ gắn bó, tin tưởng nhau. Dân chủ trường học khởi nguồn từ đó.
Đối với mỗi trường học
Kỷ cương là thuộc tính cơ bản của học đường; là nội dung giáo dục cho học sinh, là yêu cầu đối với mỗi cán bộ quản lý trường học và thầy cô. Kỷ cương trong soạn bài, giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, quản trị trường học; kỷ cương trong học tập và hoạt động trải nghiệm; kỷ cương với hoạt động phối hợp.
Trường học kỷ cương là điều kiện cần và đủ, để nhà trường xưa hay nhà trường nay hoàn thành sứ mạng! Đổi mới giáo dục mà buông lỏng kỷ cương sẽ không mang lại kết quả, là đổi mới suông!!
An toàn thực sự trong tương tác giữa trò với trò, trò với thầy cô, thầy cô với thầy cô, thầy cô với phụ huynh. Những đứt gãy trong giáo dục có nguyên nhân từ việc chưa thực sự quan tâm xây dựng trường học an toàn.
Trường học hạnh phúc có bao hàm trường học an toàn. Cần xây dựng quy định chi tiết, chặt chẽ và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Khi cần, nghiêm với một, hai người chính là tạo môi trường để số đông an toàn, đó mới đúng nghĩa trường học an toàn.
Đọc sách để rèn phẩm cách; đổi mới dạy học, kiểm tra; đọc sách không chỉ trò học, mà thầy cô cũng học – dạy là học nhiều lần, trong đó có học qua đọc sách. Chung tay xây dựng thư viện, thư viện điện tử, linh hoạt các hình thức hoạt động thư viện, thường xuyên bổ sung sách mới phục vụ thầy và trò.
Không có thói quen đọc sách, nội dung dạy và học xơ cứng, kiểm tra chỉ “đóng” ở sách giáo khoa, trường học khác gì cỗ máy, làm sao đào tạo công dân toàn cầu?
Đối với cán bộ quản lý giáo dục các cấp
Giỏi giang mới nắm chủ trương, chính sách giáo dục, nhiệm vụ năm học và vận dụng thích hợp. Bằng tự học, cùng với đó là đổi mới quy hoạch, bổ nhiệm, điều động cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức thi tuyển lãnh đạo chủ chốt cơ sở giáo dục để sử dụng đúng người, đúng việc một cách cởi mở, dân chủ.
Trung thực thì quản lý giáo dục các cấp mới vững vàng mọi việc, có uy tín, được mến mộ. Người đứng đầu mỗi cơ sở giáo dục, khó nhất là sống, học tập, làm việc theo quỹ đạo trung thực. Nhưng khi đã thành nếp, đây là đường ray an toàn (mà cao tốc) trong hành trình vì sự nghiệp trăm năm.
Công tâm với thầy cô, với học trò để hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (và cao hơn) thực sự là chỗ dựa về tinh thần cho họ. Công tâm mới thấu hiểu, có thấu hiểu mới hợp tác, có thấu hiểu mới vui cùng vui – buồn chia buồn. Đó chính là trường học hạnh phúc.
Đề đạt với trung ương
Giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là chính sách của mọi chính sách, là động lực của mọi động lực, là hạt nhân của nguyên tử chính sách, là tâm điểm của chuyển động hướng tâm của kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng.
Với tinh thần đó, tăng lương cho giáo viên, chăm lo đời sống cho thầy cô, dẫu khó, hoàn toàn giải quyết được.
Với phụ huynh
Từ nghìn đời qua đã đúc kết: “Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Yêu thầy, trọng thầy, con em phụ huynh mới học hành chăm chỉ, tiến bộ. Đồng thời, trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo dạy dỗ con cái, chia sẻ trách nhiệm với trường, lớp. Gia đình giữ vai trò quan trọng trong giáo dục con trẻ, là niềm tin của thầy cô, là chất liệu xây truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Năm học mới đã đến, “mong toàn xã hội hãy chung tay với giáo dục” như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm. Dải đất hình chữ S – nơi em đến trường – sáng lên bao mong ước ngày đầu tiên đi học …
Nguồn: tuoitre.vn