Nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra đã được Bộ Công Thương lập nên như một biện pháp quan trọng để tìm cách giải quyết tình trạng thiếu xăng dầu.
Thế nhưng dù đã có những doanh nghiệp bị rút giấy phép nhưng tình trạng lộn xộn, bất ổn của thị trường và nỗi bất an trước nguy cơ mất an ninh năng lượng đến nay vẫn chưa thể được giải tỏa.
Khi các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội nhộn nhịp trở lại sau đại dịch COVID-19 thì nỗi lo khác xuất hiện. Một trong những trụ cột của an ninh năng lượng là xăng dầu – vốn được ví như huyết mạch lưu thông cho nền kinh tế – liên tục đối diện với tình trạng thiếu nguồn, đứt nguồn.
Đứt nguồn cung cục bộ, thiếu xăng dầu diễn ra không phải là lần đầu kể từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào cuối năm 2018. Bởi chỉ ba tháng sau đó, vì sự cố điện tại nhà máy này mà việc sản xuất xăng RON95 bị “đứt mạch”, dẫn tới giao hàng chậm tiến độ.
Tình trạng đã lặp lại vào đầu năm 2022 khi Nghi Sơn giảm công suất do các vấn đề liên quan tài chính. Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, thị trường xăng dầu đối diện với cung cầu, giá cả biến động chưa từng có. Đúng lúc cơ chế điều hành xăng dầu mới được áp dụng theo nghị định 95 sửa đổi cho nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu lại cũng “hụt hơi” chạy theo thực tiễn.
Việc thiếu xăng dầu diễn ra hồi đầu năm được lý giải do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thì lúc này thiếu xăng dường như không thể tìm được nguyên nhân. Dù Bộ Công Thương khẳng định tổng nguồn đáp ứng đủ nhưng trong những ngày nghỉ lễ 2-9 vừa qua, nhiều cây xăng ngay tại Hà Nội vẫn treo biển “hết xăng”, tại các tỉnh miền Nam nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu dầu. Chưa bao giờ nỗi bất an trước nguy cơ mất an ninh năng lượng với xăng dầu lại lớn đến vậy.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã liên tiếp lập các đoàn thanh tra. Tháng 2, ba đoàn thanh tra chuyên đề xăng dầu được lập. Gần đây nhất, ba tổ công tác do ba thứ trưởng đảm nhiệm để kiểm tra thị trường ngay trong dịp nghỉ lễ. Cơ quan quản lý thị trường cũng khẳng định giám sát 24/24 giờ các cửa hàng xăng dầu.
Kết quả ban đầu vẫn ghi nhận một số cửa hàng được kiểm tra hết hàng, thiếu xăng hoặc dầu cục bộ. Thậm chí truy đến tận nguồn cung là các thương nhân đầu mối, phân phối… nguồn hàng cũng không còn, thiếu hụt cục bộ. Kiểm tra cũng khó có thể phạt doanh nghiệp vì hết xăng là có thật. Hết xăng thì đành treo biển hết xăng, nghỉ bán dù lực lượng chức năng có tốn công, tốn sức đến “sờ gáy”.
Vậy khẳng định của Bộ Công Thương về việc tổng nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng nhu cầu có còn đủ sức thuyết phục? Tình trạng thiếu xăng dầu diễn ra ở nhiều nơi, cùng những lộn xộn của thị trường bộc lộ ngày càng phức tạp hơn, phải chăng do sự “lờn” luật hay chính cơ chế điều hành, quy định đã theo không kịp, bất cập?
Không phủ nhận có những doanh nghiệp vi phạm, đầu cơ, làm ăn bất chính nên hệ quả là có những doanh nghiệp bị xử phạt, tước giấy phép. Nhưng khi thị trường có quá nhiều doanh nghiệp vi phạm và sự đứt gãy chuỗi lưu thông, phân phối xăng dầu ngày càng nhiều hơn thì cần phải xem lại cơ chế điều hành. Bởi nếu chỉ thanh tra mà không nhìn nhận bất cập từ cơ chế điều hành, chắc chắn sẽ không thể giải quyết tận gốc được những bất ổn của thị trường.
Thị trường xăng dầu như đang trong vòng luẩn quẩn từ cơ chế điều hành, vận hành thị trường cho đến các quy định ngày càng bộc lộ sự “lệch pha” với thực tiễn. Sau cơn biến động này, có thể sẽ có một cuộc “thay máu” khi doanh nghiệp không đủ sức trụ lại phải rời bỏ thị trường.
Nhưng cần hơn hết là một cuộc “đại phẫu” trong quản lý ngành xăng dầu, đánh giá xem xét lại các quy định và cơ chế quản lý để thẳng thắn nhận diện bất cập, như vậy mới có thể giúp thị trường lành mạnh hơn và mối nguy mất an ninh năng lượng mới có thể được giải tỏa từ gốc.
Nguồn: tuoitre.vn