Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, khi khí hậu nắng nóng, nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, da sẽ bài tiết mồ hôi nhiều hơn. Ngoài ra, mật độ tuyến bã nhờn ở lưng rất cao, khi gia tăng hoạt động tuyến bã nhờn sẽ có nguy cơ hình thành các nhân mụn trứng cá.
Bên cạnh đó, vào mùa hè, nhiều người ưu tiên các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao ngoài trời. Việc mặc các trang phục bó sát gây cọ xát cơ thể, làm cho môi trường ở lưng ẩm ướt hơn. Bác sĩ Thảo cho biết, đây cũng là điều kiện thuận lợi gây mụn vùng lưng.
Thông thường, tình trạng mụn lưng khởi phát bằng sang thương không viêm, là các nhân trứng cá. Bệnh tiến triển nặng hơn nếu không được kiểm soát tốt, từ sang thương không viêm sẽ chuyển thành sang thương viêm như mụn mủ, sẩn, nốt, nang.
Hậu quả là người bệnh bị đau nhức, tự ti không dám mặc trang phục hở lưng. Một số người sau khi khỏi mụn còn bị sẹo lồi, gây ảnh hưởng tâm lý và thẩm mỹ, việc điều trị khó khăn hơn.
Để kiểm soát tình trạng trên, bác sĩ Phương Thảo khuyến cáo, người bệnh cần chú ý chăm sóc đúng cách vùng da lưng thường bị bỏ sót.
Khi tắm rửa, người bệnh cần chọn xà phòng dịu nhẹ lành tính, trong thành phần có hoạt chất loại trừ phần sừng trên bề mặt da lưng, loại bỏ bã nhờn hoặc có tính kháng viêm. Với người có nhiều cồi mụn ở lưng, có thể tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần.
Ngoài ra, cần vệ sinh ga giường, vỏ gối, khăn tắm thường xuyên vì đây là nơi trú ẩn nhiều vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn sinh mụn. Người hay đổ mồ hôi cần thay áo thường xuyên để tránh gây ẩm ướt ở vùng lưng. Chất liệu trang phục nên có tính thấm hút và mềm mại.
Nếu áp dụng các biện pháp trên nhưng không cải thiện hoặc diễn tiến nặng hơn, người bệnh cần đến khám da liễu để được điều trị phù hợp bằng thuốc uống, thuốc bôi…
Bác sĩ Thảo khuyến cáo, người bệnh cần có lối sống, sinh hoạt lành mạnh, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh trái cây, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhằm phòng ngừa tái phát mụn vùng lưng khi nắng nóng.
Nguồn: vietnamnet