‘Thật ra mình cũng đã quen với việc không còn mẹ ở bên cạnh. Chỉ là hôm trước đến trường nhận lớp, lúc về nhà mới nhận ra, mình không bao giờ có thể nói câu con chào mẹ con mới đi học về nữa…’
Vượt qua nỗi đau mất mát
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phước Trung kể ngày hôm đó, chính em cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chỉ biết mẹ được đưa đến bệnh viện, 12 tiếng sau thì nhận tin mẹ qua đời. “Khi còn sống, mẹ em quán xuyến mọi việc nhà để em có thời gian tập trung cho việc học. Một ngày của mẹ đều dành hết cho gia đình, đến khi mẹ bệnh cũng không chịu nói với ai” – Trung kể.
Kể từ ngày không còn mẹ, Trung trở thành người chăm lo nhà cửa để ba và anh hai yên tâm đi làm. Cậu học sinh sắp sửa bước vào năm cuối cấp chia sẻ: “Những công việc ngày xưa mẹ làm thì bây giờ em đều phải tự làm, chỉ có nấu ăn do nấu chưa được ngon nên thi thoảng em nhờ ba. Do không muốn ba phải lo thêm tiền xăng tiền xe, em vẫn đi xe đạp đến trường, về nhà thì học bài và làm việc nhà”.
Là người hay tâm sự với mẹ, sau khi mẹ mất, Phước Trung phải dành nhiều thời gian bình tĩnh suy nghĩ và tự nói chuyện với chính mình để cùng gia đình đi qua mất mát. Năm học tới, Phước Trung bảo sẽ cố gắng học thật tốt để thi vào ngành sư phạm tiếng Anh của Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
“Ba em hiện tại đang là bảo vệ, trong người lại có nhiều bệnh. Đến một ngày, em hiểu ra em cần suy nghĩ về tương lai phía trước, em phải tập trung học để còn có thể lo lại cho ba, phải chấp nhận để bước tiếp” – Phước Trung bộc bạch.
Nhà trường, địa phương hỗ trợ
Trong khi đó, Trần Dư Xuân sắp sửa bước vào lớp 12 tại TP.HCM thì trong đợt dịch COVID-19 đã mất ba, cũng là người lao động chính trong gia đình.
“Một ngày kia ba em ngủ rồi không thể dậy nữa. Những năm trước, ba và mẹ vẫn thay phiên đưa các em của em đi học. Nhưng năm nay chỉ còn mẹ đưa các em của em tới trường. Là chị cả trong gia đình, em hiểu em cần trở thành điểm tựa cho mẹ” – Dư Xuân tâm sự.
Trải qua nỗi đau mất ba, Phan Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 11 ở TP.HCM, cho biết năm học đầu cấp III vừa qua, điểm số của em bị tuột khá nhiều do phải đối mặt với biến cố quá lớn. Trong nhà ba là lao động chính nên sau khi ba mất, hiện tại, mẹ Trúc phải làm cả sáng lẫn tối, có những ngày đến sau 10h khuya để có thu nhập đủ lo cho Trúc và em gái.
Trúc kể: “Do sắp bước vào năm học mới nên vừa rồi phường có hỗ trợ tập, bút và cặp sách. Thật lòng em rất cảm kích những sự hỗ trợ từ trường và địa phương.
Bây giờ, em đã lấy lại được tinh thần, tự động viên mình phải ráng học để lo lại cho mẹ, phụ mẹ lo cho em gái. Năm học mới này, em quyết tâm lấy lại danh hiệu học sinh giỏi mà em đã vụt mất vào năm học trước”.
Quan tâm về mặt tình cảm, tinh thần
Đã có hơn 10 năm đảm nhiệm trợ lý thanh niên tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), cô Huỳnh Thị Bé Ren cho biết: “Ban giám hiệu vẫn luôn tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ, Đoàn trường xin học bổng cho các em. Khi gia đình có đề xuất gì, nhà trường cũng sẽ hỗ trợ nhanh nhất có thể”.
Thế nhưng với những học sinh có cha hoặc mẹ mất thì không chỉ do dịch, mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, các em cũng sẽ bị sốc về mặt tình cảm, tinh thần… đặc biệt là với các em rất gần gũi với ba mẹ.
“Do đó, bên cạnh những hỗ trợ về mặt tài chính, các em cũng rất cần nhận được sự quan tâm và chia sẻ. Người nhà cần quan sát và trò chuyện kịp thời để các em không gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần, cần có các yếu tố ngoại cảnh để kéo các em ra khỏi sự mất mát, cô đơn” – cô Bé Ren nói thêm.
2.091 trẻ dưới 17 tuổi có người thân mất vì COVID-19
Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có 2.091 trẻ em và người chưa thành niên đến 17 tuổi mồ côi cha mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc do đại dịch COVID-19. Riêng TP.HCM đã có hơn 1.500 trẻ mồ côi.
Nguồn: tuoitre.vn