Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ không cung cấp khí đốt cho Tập đoàn điện lực Engie của Pháp bắt đầu từ ngày 1-9 do các tranh cãi liên quan việc thanh toán hợp đồng.
Engie là tập đoàn điện lực lớn nhất châu Âu, hoạt động trên khắp các châu lục và có trụ sở tại Pháp. Trong thông cáo ngày 30-8, Gazprom cáo buộc Engie không thanh toán đủ tiền cho số khí đốt đã giao trong tháng 7-2022.
Do đó, Engie sẽ không nhận được khí đốt từ Gazprom bắt đầu từ ngày 1-9 và việc này sẽ kéo dài cho đến khi tập đoàn của Pháp trả đủ tiền khí đốt đã giao trong tháng 7. Phía Nga không nói rõ số tiền mà Engie đang “nợ” là bao nhiêu.
Theo sắc lệnh Tổng thống Nga Vladimir Putin ký vào tháng 3, Gazprom có quyền ngừng cung cấp khí đốt cho một người mua nước ngoài nếu khách hàng không thực hiện tất cả các khoản thanh toán trong khoảng thời gian quy định trong hợp đồng.
Thông cáo được đưa ra trong bối cảnh Nga chuẩn bị đóng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 từ ngày 31-8 đến ngày 2-9 với lý do bảo trì. Đường ống quan trọng chạy từ Nga sang Đức hiện chỉ mới hoạt động ở mức 20% công suất.
Engie, công ty nắm giữ 9% cổ phần của Nord Stream 1, từ chối bình luận khi được Hãng tin Reuters liên hệ. Trước đó, tập đoàn này cho biết nguồn cung cấp của Gazprom sẽ bị siết chặt hơn nữa nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã tìm cách làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ việc khi thông báo Engie đã tìm được “các nguồn cung cấp khác”, nhưng không nói chi tiết. Bà Borne cũng kêu gọi các khách hàng của Engie yên tâm vì tập đoàn này có phương án đảm bảo nguồn điện ổn định.
“Rõ ràng Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí chiến tranh và chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung bị gián đoạn hoàn toàn”, Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher nói với Đài France Inter ngày 30-8.
Tuy nhiên, theo một phụ tá của bà Pannier-Runacher, vì Pháp đã đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng nên việc cắt giảm mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt mùa đông của nước này.
Người phát ngôn của Engie cho biết Nga chiếm chưa tới 4% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Engie, giảm mạnh từ mức 17% trước khi Nga tấn công Ukraine.
Sự gián đoạn và cắt giảm nguồn cung của Nga đã khiến giá khí đốt tăng vọt, đồng thời đẩy các chính phủ châu Âu vào cuộc đua tìm nguồn cung thay thế trước mùa đông.
Pháp không phụ thuộc vào khí đốt của Nga như một số quốc gia châu Âu khác nhưng cũng đang cố gắng bơm đầy kho dự trữ khí đốt. Một phát ngôn viên của Chính phủ Pháp tiết lộ Paris đã bơm đầy khoảng 90% kho dự trữ cần cho mùa đông.
Nguồn: tuoitre.vn