Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều đại biểu đã chất vấn lãnh đạo các sở, ngành về những vấn đề liên quan đến “quốc kế dân sinh”. Trong đó có tình hình khai thác cát trên sông Đồng Nai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng. Trả lời vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã có một quan điểm hay và rất rõ ràng, được dư luận đồng tình.

Sông Đồng Nai có chiều dài 586km, là con sông lớn thứ 2 ở Nam bộ và xếp thứ 3 ở nước ta. Con sông này từ cao nguyên Lâm Đồng chảy qua các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu… với diện tích lưu vực rộng 42.600km2. Ngoài những công trình khai thác tiềm năng hiện hữu trên sông Đồng Nai như 5 nhà máy thủy điện, các cảng Cát Lái, Bình Dương, Đồng Nai… hồ thủy lợi, hồ thủy điện, hệ sinh thái rừng quốc gia Nam Cát Tiên… sông Đồng Nai còn có trữ lượng cát rất lớn, phục vụ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng. Tuy nhiên, thời gian qua việc khai thác tài nguyên quá mức đã làm biến đổi dòng chảy, tác động tiêu cực đến môi sinh và nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt… Đặc biệt, việc khai thác cát lậu diễn ra ngày càng nhiều đã gây ra các sự cố sạt lở đất, cuốn trôi vườn tược, nhà cửa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Trước tình trạng này, từ tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương trong cả nước và các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai nói riêng tăng cường chống nạn cát tặc. Mới đây, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu 16 đơn vị, cá nhân tạm ngừng khai thác cát từ 2-3 tháng trên sông Đồng Nai đoạn thuộc huyện Cát Tiên, nơi giáp ranh Bình Phước. Trước đó, tỉnh này cũng đã thu hồi 4 dự án và hạn chế khai thác đối với 5 dự án khai thác cát ở khu vực nói trên. Tuy nhiên, việc tạm dừng (dù có thời hạn) trong khai thác cát là điều không khả thi. Bởi trong điều kiện hiện nay, cát tự nhiên là một loại vật liệu không thể thiếu trong xây dựng các công trình từ nhà ở, trụ sở làm việc đến cơ sở hạ tầng, giao thông… Vì vậy, việc tạm dừng khai thác sẽ đẩy giá loại vật liệu này tăng theo cấp số nhân. Và đây chính là cơ hội cho cát tặc có “đất sống” vì nguồn lợi thu được từ hút trộm cát quá lớn. Trong mùa xây dựng năm 2016, giá cát tại thị xã Đồng Xoài chỉ 240.000 đồng/m3, sau khi Lâm Đồng tạm dừng khai thác thì giá bán lẻ ở thị xã Đồng Xoài đã có lúc tăng gần 600.000 đồng/m3.

Vì vậy, khi trả lời chất vấn, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không thể dừng hay cấm việc khai thác cát được. Bởi nếu dừng, cấm khai thác cát sẽ không có vật liệu để xây dựng các công trình và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như giá cát tăng đột biến làm tăng thêm gánh nặng cho người dân. Quan điểm của sở là vẫn duy trì việc khai thác cát đối với những đơn vị đã cấp phép, nhưng tăng cường giám sát việc khai thác và kiểm soát tác động môi trường đối với các đơn vị đã được cấp phép. Đồng thời, các cấp, ngành và lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương tăng cường tuần tra truy quét các tàu, điểm hút cát lậu, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Và trong ý kiến chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường xử lý nạn cát tặc chứ không phải cấm khai thác như một số nơi đã làm.

Tấn Phong

Từ khóa : cát tặcsông đồng nai

Các tin liên quan đến bài viết