Theo bác sĩ Tôn Thất Quang Thắng, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, người đàn ông mắc Covid-19 đang được lọc máu tại đây thực tế đến viện vì viêm màng não mủ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có biểu hiện tổn thương phổi nên test Covid-19, cho kết quả dương tính.
Ngay bên cạnh là một nữ bệnh nhân Covid-19 khác hiện rất nặng. Bà nhập viện trong tình trạng không thở được, oxy trong máu rất thấp, có bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp và chưa từng tiêm vắc xin Covid-19. Chỉ trong 2 ngày, phổi của bệnh nhân bị mất chức năng.
Người bệnh được thở máy, lọc máu và hy vọng sẽ có chuyển biến khá hơn. Cùng lúc này, có hơn 40 ca Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. “Mỗi ngày có 3-4 ca nặng phải thở máy. Áp lực điều trị đang tăng trở lại”, bác sĩ Thắng nói.
Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng nhất của TP.HCM và phía Nam. Từ tháng 5 đến hết tháng 7, ở đây không có ca Covid nào. Nhưng từ đầu tháng 8, bệnh nhân Covid-19 tăng một cách đột biến, ngày nào cũng có ca mới.
“100% có bệnh nền hoặc họ đến để điều trị bệnh lý khác và phát hiện mắc Covid-19 qua sàng lọc. Thời gian này, chúng tôi ghi nhận 7 ca Covid-19 tử vong, trong đó có 4 người bị ung thư giai đoạn cuối”, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, nói.
Người già, có bệnh nền là đặc điểm chung của các bệnh nhân nặng. Trong nhóm này, chỉ có 28% người bệnh được tiêm 3 mũi vắc xin trở lên, 72% tiêm 2 mũi trở xuống. Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, 25% chưa tiêm mũi vắc xin Covid-19 nào.
“Chúng ta đã truyền thông, kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin, lập nhiều điểm tiêm. Nhưng có lẽ đã thiếu sót khi chưa tìm được hết người có bệnh nền cần phải chủng ngừa. Khi họ bị Covid-19 sẽ diễn tiến rất nặng, dù chúng tôi làm tất cả các biện pháp cũng không cứu được”.
Bác sĩ Hùng cho hay, tình hình F0 tăng trở lại đã được dự báo và chuẩn bị từ trước. Từ tháng 12/2021, vắc xin Covid-19 được phủ rộng rãi ở các địa phương. Kết hợp cùng số người bị mắc Covid-19 nhiều, nên phía Nam có nền miễn dịch cộng đồng khá tốt. Ca bệnh Covid-19 từ tháng 2 tới tháng 7 giảm rất sâu.
“Nhưng với các vắc xin Covid-19 hiện có, sau 6 tháng, lượng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm xuống nếu không tiêm nhắc lại. Người dân có tâm lý chủ quan vì dịch đã ổn định, ý định tiêm vắc xin cũng giảm hẳn. Đúng như dự báo, ca Covid-19 từ tháng 8 đã tăng”.
Vị chuyên gia này cho hay, vắc xin đang sử dụng tại Việt Nam chủ yếu là Moderna và Pfizer, những loại tốt nhất lúc này. Với cá nhân, chủng ngừa vắc xin nhằm tránh diễn tiến nặng nếu mắc bệnh. Với cộng đồng, vắc xin sẽ giúp dịch bệnh không quay lại.
“Bên cạnh 2K, vắc xin là vũ khí tối ưu nhất. Đặc biệt, người có bệnh nền cần tiêm càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hùng nói và lưu ý, SARS-CoV-2 đang biến chủng liên tục, nếu ứng phó không tốt, dịch bệnh có thể kéo dài hơn nữa.
Trước đó, trong buổi giao ban phòng chống dịch tại TP.HCM, Sở Y tế thông tin, từ ngày 19 đến 25/8, TP có 1.114 ca mắc mới (tăng 258 ca so với tuần trước). Trong đó, 78 ca nặng với 15 ca thở máy và 1 ca lọc máu. Tỷ lệ tiêm cho các đối tượng thuộc diện tiêm chủng trên địa bàn TP giảm mạnh trong tuần.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, tất cả bệnh nhân Covid-19 thở máy đều nằm trong nhóm nguy cơ cao, đa số người mắc mới chưa tiêm mũi nhắc lại. “Đây là thực trạng đáng báo động”, ông Thượng nói. Cùng với sốt xuất huyết đã khiến 18 người tử vong từ đầu năm đến nay, TP.HCM đang trong tình thế dịch chồng dịch.
Trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế cho biết, tuần qua có tổng số 19.200 ca mắc mới, tương đương gần 2.800 ca/ngày, cao hơn so với tuần trước đó. Hiện có 161 bệnh nhân Covid-19 đang thở oxy, không có ca ECMO, trung bình mỗi ngày có 1 ca tử vong.
Nguồn: vietnamnet