Công ty cổ phần Hùng Nhơn ở ấp Thuận Hòa, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) vừa đại diện cho các trang trại ký kết với Công ty tài chính quốc tế (IFC) thuộc Tập đoàn Ngân hàng thế giới (World Bank Group) và Công ty cổ phần Bel Gà (Vương quốc Bỉ) nhằm xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gia cầm Việt Nam. Đây là cơ hội vàng cho sản phẩm gia súc, gia cầm của Bình Phước vươn ra thị trường quốc tế.

“NGƯỜI DÂN CẦN THỰC PHẨM CÓ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC…”

Đó là một trong những yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám tại lễ ra mắt dự án an toàn thực phẩm (ATTP) của IFC tại Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 1-7. Hiện tiêu dùng thực phẩm trong nước chiếm khoảng 15% GDP với tốc độ tăng trưởng gần 18% GDP mỗi năm. Bình Phước có khoảng 270 trang trại chăn nuôi công nghiệp, trong đó hơn 200 trại heo và 61 trang trại gia cầm, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng GDP của tỉnh hằng năm. Tuy nhiên, do ATTP chưa đảm bảo đã ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và cản trở tiềm năng phát triển của ngành chăn nuôi cũng như sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm; hạn chế cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng hiện đại của doanh nghiệp thực phẩm…

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, nhiều mặt hàng nông sản, thịt gia súc, gia cầm gặp khó khăn về đầu ra. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã chung tay giúp người dân giải cứu các mặt hàng này, nhưng chỉ là biện pháp trước mắt. Bởi việc giải cứu chỉ mang tính chất tâm lý, còn nguyên nhân chính là do cung vượt cầu.

Công ty cổ phần Hùng Nhơn đại diện cho các trang trại ký kết với IFC và Công ty cổ phần Bel Gà về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, vấn đề ATTP trong lĩnh vực quản lý nhà nước đã có Luật ATTP. Các bộ, ngành liên quan, như: Y tế, Công thương, NN&PTNT cũng có các quy định trong quản lý. Riêng trách nhiệm của ngành nông nghiệp không chỉ hướng đến xuất khẩu thực phẩm mà phải hướng tới sản xuất thực phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu bền vững. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT đã và đang đưa ra những thông tin cảnh báo, định hướng người dân trong sản xuất, chăn nuôi. Đối với nông dân, Bộ NN&PTNT thông qua các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới để xây dựng GlobalGAP, VietGAP… và thành lập các chuỗi liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng. Lễ ra mắt dự án ATTP và lễ ký kết đảm bảo ATTP giữa đại diện các trang trại – Công ty cổ phần Hùng Nhơn với các đối tác lớn quốc tế thể hiện cao sự vào cuộc, chủ động của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập và Bộ NN&PTNT sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, việc Công ty cổ phần Hùng Nhơn ký kết thỏa thuận với Công ty cổ phần Bel Gà và ra mắt dự án ATTP tại Việt Nam giúp cải thiện vấn đề ATTP trong nước từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm trong toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm, giúp ngành chăn nuôi Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó mở rộng thị trường, giảm chi phí và đóng góp vào việc đảm bảo an ninh lương thực; hướng đến phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn ATTP với giá thành cạnh tranh. Để đạt mục tiêu này, bộ sẽ tổ chức lại ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết, gắn kết các khâu giết mổ, chế biến với kết nối thị trường, trong đó chú trọng áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến, hiện đại và an toàn.

ĐẦU TƯ, LIÊN KẾT NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Là doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, Công ty cổ phần Hùng Nhơn đã được Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tặng bằng khen, nhận giải thưởng trại gà thịt xuất sắc nhất năm 2014… Hiện công ty đang hợp tác với Tập đoàn De Heus (Hà Lan) – chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Bel Gà – chuyên cung cấp gà giống tại thị trường Việt Nam và Công ty TNHH San Hà – chuyên cung cấp gà thịt thương phẩm cho các siêu thị trong nước thành một chuỗi liên kết hợp tác hiệu quả và bền vững. Công ty hiện có 28 trại nuôi gà lạnh, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến nhất của Tập đoàn Big Dutchman (Cộng hòa liên bang Đức). Các công đoạn đều được tự động hóa với tổng đàn 600 ngàn con/lứa, hằng năm cung cấp cho thị trường 3 triệu con. Trại gà đẻ được xây dựng trên khu đất 7 ha, trong đó có 8 trại nuôi gà đẻ áp dụng công nghệ nuôi lạnh tiên tiến nhất, từ khâu lấy trứng, sát trùng và đóng hộp đều thực hiện bằng dây chuyền tự động. Sản lượng đạt 320 ngàn trái/ngày, tương đương 130 triệu trái/năm.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Nhơn cho biết: “Hiện nay, muốn tiến tới nền chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, có lợi thế cạnh tranh thì chăn nuôi phải theo mô hình trang trại lớn gắn với chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học – kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại. Nếu sản xuất theo quy mô hộ trang trại phải được quản lý tốt, điều hành linh động mới đạt hiệu quả cao. Việc áp dụng tiêu chuẩn trang trại đạt chuẩn GlobalGAP giữa doanh nghiệp với Tập đoàn De Heus và Công ty Bel Gà là rất cần thiết cho thị trường thịt gia súc, gia cầm hiện nay, góp phần vào việc cung cấp sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng. Việc nâng cao chất lượng chuỗi sản xuất thịt gà sạch có truy xuất nguồn gốc còn giúp nhà sản xuất xây dựng được thương hiệu, dễ tìm kiếm thị trường và sản phẩm có giá bán tốt hơn”.

Nguồn  Báo Bình Phước

Từ khóa : Công ty cổ phần Bel GàCông ty cổ phần Hùng NhơnCông ty tài chính quốc tếThứ trưởng Vũ Văn Tám

Các tin liên quan đến bài viết